Đây là một trong nhiều nội dung nằm trong “Đề án giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” đã được Sở GTVT phê duyệt, chỉ đạo và giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thực hiện.


Các đại biểu thực hiện nghi lễ lễ ra mắt ứng dụng “Busmap Ha Noi”

Theo Ông Thái Hồ Phương - Phó Giám đốc Trung tâm HPTC cho biết các tính năng chính của Busmap Hà Nội gồm: Tìm đường thông minh: giúp hành khách dễ dàng tìm được lộ trình di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng trong thành phố, gợi ý và kết nối các loại hình vận tải hành khách công cộng để hành khách di chuyển hợp lý, tối ưu nhất.

Tính năng kết hợp xe buýt và xe công nghệ: tính năng này sẽ gợi ý lộ trình di chuyển kết hợp giữa xe buýt và xe công nghệ giúp hành khách tiết kiệm thời gian di chuyển từ điểm xuất phát đến trạm xe buýt hoặc từ trạm xe buýt tới điểm đến, kèm theo đó là gợi ý về chi phí cho chuyến đi.

Tính năng dẫn đường thông minh: “BusMap Ha Noi” sẽ cung cấp cho hành khách các chỉ dẫn cụ thể về cách thức di chuyển từ điểm xuất phát đến điểm đến, giúp hành khách có thể xem vị trí của mình trên bản đồ và biết chính xác vị trí của mình.

Đặc biệt, Busmap Hà Nội có khả năng hỗ trợ tối ưu giúp người khiếm thị thông qua tính năng đọc màn hình để tìm đường và tra cứu các tuyến xe buýt, đọc tên điểm dừng để biết các điểm di chuyển.


Một số tính năng khác: Tra cứu tuyến xe; theo dõi và thông báo xe đến điểm dừng xe buýt; thông tin thời gian thực xe đến điểm dừng; tìm xe theo biển số xe; góp ý/ phản ánh về chất lượng dịch vụ, phục vụ vận tải hành khách công cộng.

“Với những tính năng ưu việt của ứng dụng - BusMap Hà Nội sẽ là công cụ hỗ trợ tiện ích hiệu quả cho hành khách khi di chuyển bằng phương tiện công cộng tại Hà Nội”, ông Phương nhấn mạnh.

Tại buổi lễ ra mắt ứng dụng mới, ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở GTVT đang triển khai một loạt các giải pháp để nâng cao chất lượng xe buýt nhằm thu hút hành khách sử dụng dịch vụ vận tải công cộng của Thủ đô sau thời gian Covid-19 kéo dài.

“Ra mắt ứng dụng dùng chung bằng xe buýt với mục tiêu giúp hành khách sử dụng xe buýt tiện lợi hơn đồng thời có thể phản ánh chất lượng dịch vụ với cơ quan quản lý. Đây cũng là căn cứ để chấm điểm chất lượng dịch vụ theo bộ tiêu chí với các doanh nghiệp cung ứng”, ông Thường khẳng định và nói thêm: “Đây là bước đi đầu tiên để trung tâm chuyển đổi số, công cụ giúp đơn vị quản lý nhà nước thực hiện hơn nữa chức trách của mình. Chúng tôi tin rằng, người dân chắc chắn được thụ hưởng dịch vụ tốt hơn khi ứng dụng này ra đời”.


Về Phenikaa MaaS: là công ty chuyên cung cấp giải pháp công nghệ trong lĩnh vực giao thông được sáng lập bởi CEO Lê Yên Thanh và các cộng sự. Vào năm 2021, startup BusMap đã gọi vốn thành công 1,5 triệu USD từ Tập đoàn Phenikaa và chính thức đổi tên thành Phenikaa MaaS. Năm 2022, Phenikaa MaaS công bố dự án hợp tác cùng Vinbus để xây dựng hệ thống xe buýt điện, Phenikaa MaaS đã ứng dụng các thế mạnh về công nghệ để giải quyết những khó khăn mà doanh nghiệp và người dân gặp phải khi vận hành hệ thống và di chuyển bằng xe buýt. Ngoài ra Phenikaa MaaS còn cung cấp rất nhiều các giải pháp về công nghệ cho các doanh nghiệp và trường học.