Với những tác động tiêu cực của dịch
COVID-19 đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Do vậy, việc đẩy mạnh
các dự án đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng góp phần cho tăng
trưởng và bù đắp những thiếu hụt từ khu vực kinh tế tư nhân. Song, muốn thực hiện
tốt giải pháp này và đảm bảo cho tăng trưởng chung của nền kinh tế thì giải
ngân vốn đầu tư công phải được thực hiện tốt, tránh tình trạng vốn bị “đóng
băng” như những năm trước đây.
Nhiều dự án đang ỳ ạch
Đến hết tháng 6/2021, tổng kế hoạch
nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh là trên 18.700 tỷ đồng, chiếm 57% tổng
chi ngân sách địa phương. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương trên 1.900 tỷ
đồng, ngân sách tỉnh trên 10.400 tỷ đồng, còn lại là ngân sách huyện, xã.
Mặc dù đã bám sát sự chỉ đạo của
tỉnh về các mốc thời gian giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021 (đến 30/6 giải
ngân đạt 50%, đến 30/9 giải ngân đạt 100%), thế nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đối với
các chủ đầu tư vẫn còn rất chậm. Đến hết tháng 6/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu
tư công trên địa bàn tỉnh theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh mới chỉ đạt
trên 38% kế hoạch. So với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ này cao hơn 11%, tuy nhiên vẫn
chưa đạt được như kỳ vọng 50% kế hoạch vốn. Trong đó một số địa phương có tỷ lệ
giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp là TP Hạ Long 18,4%, huyện Vân Đồn 23,7%,
huyện Cô Tô 20,8%, TP Cẩm Phả 30,2% và TP Móng Cái mới đạt 30,6%.
Đối với nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh,
trong tổng số 86 dự án chuyển tiếp và 21 dự án khởi công mới năm 2021 thì có đến
35 dự án có tỷ lệ giải ngân chưa đạt theo yêu cầu chỉ đạo và buộc UBND tỉnh phải
đề nghị điều chuyển nguồn vốn. Còn đối với nguồn vốn ngân sách huyện, trong tổng
số 235 dự án khởi công mới, hiện mới chỉ có 106 dự án hoàn thành thủ tục và triển
khai công tác thi công, còn lại 48 dự án đang thực hiện đấu thầu, 57 dự án đã
được phê duyệt nhưng chưa đấu thầu, 24 dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Nhìn vào con số trên cho thấy,
công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt, điều chỉnh dự án, lựa chọn nhà thầu ở một
số địa phương, đơn vị còn chậm, chưa thực sự chủ động, quyết liệt. Đơn cử như
TX Quảng Yên năm 2021 có 40 dự án khởi công mới, đến hết tháng 6/2021 mới có 22
dự án được triển khai thi công, còn lại 5 dự án đang thực hiện đấu thầu, 13 dự
án đã phê duyệt nhưng chưa đấu thầu. TP Móng Cái có 23 dự án khởi công mới, hiện
mới có 10 dự án đang thi công, còn lại 10 dự án đang thực hiện đấu thầu, 3 dự
án đã phê duyệt nhưng chưa đấu thầu. TP Hạ Long có 46 dự án khởi công mới, hiện
mới có 17 dự án đang thi công, 7 dự án đang thực hiện đấu thầu, 13 dự án đã phê
duyệt nhưng chưa đấu thầu. TP Cẩm Phả có 10 dự án khởi công mới, thì có đến 6 dự
án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Đặc biệt huyện Vân Đồn có 12 dự án khởi công
mới, đến nay chưa có dự án nào được triển khai thi công.
Ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở
KH&ĐT tỉnh, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị đã chủ trì,
phối hợp với các cơ quan liên quan, lập đoàn kiểm tra việc triển khai đầu tư
công năm 2021 đối với các chủ đầu tư. Qua kiểm tra, đánh giá, công tác giải
ngân vốn đầu tư công ở các chủ đầu tư còn tương đối chậm, thiếu sự chủ động
trong lập, trình phương án bồi thường GPMB; chậm làm công tác chuẩn bị đầu tư,
phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án, lựa chọn nhà thầu. Trước thực trạng đó, Sở
đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ, điều chỉnh nguồn vốn đầu tư
công đối với một số dự án có tiến độ giải ngân thấp, không đảm bảo tiến độ giải
ngân theo lộ trình đến 30/6 và 30/9.
Kiên quyết cắt giảm nguồn vốn
Trên quan điểm không để lãng phí
nguồn lực đầu tư, thực hiện cắt giảm, điều chuyển nguồn vốn đối với dự án chậm
tiến độ, tại Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khoá XIV vừa qua đã thông qua nghị quyết
phân bổ, điều chỉnh nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh năm 2021. Theo đó có
19 dự án, công trình phải giảm nguồn vốn đầu tư với tổng số tiền trên 684 tỷ đồng.
Trong đó, giảm nguồn vốn đầu tư đối với 16 dự án không đảm bảo tiến độ giải
ngân đạt 50% kế hoạch đến 30/6, 1 dự án không đảm bảo tỷ lệ giải ngân đạt 100%
đến 30/9 và 2 dự án hoàn thành không còn nhu cầu về vốn.
Theo ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch
Thường trực UBND tỉnh: Nguồn vốn điều chỉnh này sẽ được UBND tỉnh phân bổ cho 9
dự án hoàn thành, đã có hồ sơ thanh quyết toán theo quy định để giảm nợ đọng
XDCB, đồng thời dự nguồn phân bổ cho dự án đường ven sông kết nối từ đường cao
tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông
Triều giai đoạn 1.
Được biết hiện nay, nguồn vốn
ngân sách cấp huyện còn khoảng 147 tỷ đồng chưa được phân bổ, trong đó TP Uông
Bí trên 29 tỷ đồng, Móng Cái 25 tỷ đồng, Đầm Hà trên 25 tỷ đồng, Cẩm Phả trên
19 tỷ đồng, Vân Đồn 10 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ được các địa phương xem xét, đề
nghị HĐND cùng cấp phân bổ, điều chỉnh cho các dự án theo kế hoạch.
Cũng tại Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh
khóa XIV vừa qua, nhiều đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, việc điều chỉnh, cắt giảm
nguồn vốn đầu tư công đối với những dự án chậm giải ngân là cần thiết và phù hợp.
Tuy nhiên, cần phải xem xét trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, nhất là cá
nhân người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu của chủ đầu tư, đơn vị liên
quan có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp. Có như vậy mới khắc phục được
tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” còn hiện hữu trong các cơ quan, đơn vị.
Mốc thời gian đến 30/9 hiện không
còn dài, trong khi lượng vốn đầu tư còn rất lớn, khoảng 11.000 tỷ đồng. Bởi vậy,
rất cần tinh thần trách nhiệm, chủ động, linh hoạt vào cuộc của chủ đầu tư và
các đơn vị liên quan, nhất là trong việc phối hợp hỗ trợ đẩy nhanh công tác thẩm
định giá đất bồi thường GPMB, giá đất tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng
đất, ý kiến thẩm định dự án, quy hoạch, GPMB… để các dự án sớm được triển khai
thi công, hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn như đã được phân bổ từ đầu năm, góp
phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh trên 2 con số.
Theo Mạnh Trường
Báo Quảng Ninh