Ngày
20/3, ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Bảo hiểm xã hội, cho biết cơ quan này đã
tham mưu cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sớm ban hành văn bản hướng dẫn
giải quyết quyền lợi cho hơn 213.000 lao động bị doanh nghiệp nợ đọng, trốn
đóng BHXH, trên cơ sở đề nghị của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Sau
rà soát, khoảng 20% lao động đủ điều kiện hưởng chế độ lương hưu, tử tuất và
BHXH một lần thì được giải quyết. Trường hợp lao động chưa đóng đủ số năm BHXH
có thể đóng một lần cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu.
Khoảng
40% lao động đang làm việc ở đơn vị mới và tiếp tục đóng BHXH sẽ được cộng dồn
thời gian tham gia, song chỉ giải quyết trên thời gian thực đóng, không cộng số
tháng bị nợ. Sau này nếu khoản nợ thu hồi được thì cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ
xác nhận bổ sung và điều chỉnh mức hưởng cho lao động.
20%
lao động nghỉ việc, chưa tiếp tục tham gia BHXH sẽ được bảo lưu thời gian đóng
để cộng nối tiếp khi đi làm trở lại hoặc đóng BHXH tự nguyện. Khoảng 20% còn lại
là trường hợp phát sinh do điều chỉnh tăng tiền lương hoặc đã quyết toán khi
chuyển việc.
Về
đề xuất lấy ngân sách hoặc tiền lãi đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội để giải quyết
quyền lợi cho lao động, ông Cường nói các khoản này để thực thi các chế độ như
tăng lương hưu, trợ cấp chứ không dùng giải quyết tình huống phát sinh như
trên.
Trong
dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Ban soạn thảo cũng không đề xuất biện
pháp này bởi có thể thành công cụ khuyến khích chủ doanh nghiệp chậm, trốn đóng
BHXH với tâm lý "đã có ngân sách hoặc tiền quỹ lo". Thay vào đó, biện
pháp xử lý chậm đóng BHXH vẫn mang tính chất phòng ngừa, từ xử phạt hành chính
đến đề nghị khởi tố hình sự.
Trước
đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng giải
quyết chế độ lương hưu, thai sản, ốm đau, BHXH một lần cho hơn 213.000 lao động
tại doanh nghiệp phá sản, đang làm thủ tục phá sản, ngừng hoạt động, hoặc không
còn người đại diện pháp luật mà chưa đóng đủ BHXH. Khoản tiền mà các doanh nghiệp
này nợ BHXH, khó thu hồi tồn tích từ năm 1995 - thời điểm thực hiện chính sách
BHXH đến nay lên tới hơn 4.000 tỷ đồng.
Hết
năm 2022, cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ
một đến dưới ba tháng; 440.800 người bị nợ đóng từ ba tháng trở lên và gần
213.400 người bị "treo" sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt
động, nợ BHXH khó thu hồi. Số đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham
gia BHXH bắt buộc. Việc chậm đóng diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp với số
tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỷ đồng, chiếm 2,91% tổng số phải thu.
Người
lao động có thể kiểm tra thời gian bị chậm, nợ đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp
thông qua ứng dụng VssID. Tại phần Quá trình tham gia, nếu hệ thống hiển thị thời
gian chưa đóng, người dùng chọn xem Chi tiết để biết doanh nghiệp và số tháng bị
nợ.
Cách kiểm tra thời gian bị nợ đóng BHXH trên ứng dụng
VssID. Ảnh: BHXHVN
Luật
hiện hành quy định khi chấm dứt hợp đồng lao động thì doanh nghiệp có trách nhiệm
cùng cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian đóng BHXH và trả sổ cho người
lao động.
Quyết
định 505/2020 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định với doanh nghiệp nợ tiền
đóng mà người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng thì đơn vị
đó có trách nhiệm đóng đủ BHXH cho người lao động, gồm tiền lãi chậm đóng. Cơ
quan Bảo hiểm xã hội xác nhận sổ bảo hiểm để giải quyết quyền lợi cho lao động.
Trường
hợp doanh nghiệp chưa đóng đủ thì xác nhận sổ đến thời điểm đã đóng, sau khi
thu hồi được tiền nợ thì bổ sung thời gian đóng. Như vậy, lao động vẫn có thể
được chốt sổ bảo hiểm song không được tính thời gian doanh nghiệp nợ đóng BHXH.
Lao
động có quyền khiếu nại tới Chánh thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội
hoặc làm đơn khởi kiện tới TAND nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính về hành vi vi
phạm.
Vnexpress.net