Phó thủ tướng
Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 phê duyệt Quy hoạch
hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm
nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng
quát của quy hoạch là phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu,
khí đốt quốc gia bao gồm dự trữ chiến lược (dự trữ quốc gia); dự trữ sản xuất,
dự trữ thương mại, vận tải, lưu thông phân phối, đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế,
kỹ thuật, môi trường, đảm bảo dự trữ, cung ứng đầy đủ, an toàn, liên tục cho
phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng. Đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô
và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75 - 80 ngày nhập ròng, phấn đấu đạt 90 ngày
nhập ròng; đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước
và khí nguyên liệu cho các ngành năng lượng và công nghiệp.
Quyết định
nêu rõ mục tiêu cụ thể về hạ tầng dự trữ và hạ tầng cung ứng xăng dầu, khí đốt.
Về Hạ tầng
dự trữ xăng dầu, khí đốt
Cụ thể, đối
với hạ tầng dự trữ xăng dầu, phấn đấu hạ tầng dự trữ sản xuất: Đảm bảo hạ tầng
dự trữ dầu thô, nguyên liệu và sản phẩm theo thiết kế các nhà máy sản xuất và
chế biến xăng dầu hoạt động ổn định, đáp ứng tối thiểu 20 ngày nhập ròng trong
giai đoạn 2021 - 2030, đến 25 ngày nhập ròng giai đoạn sau năm 2030.
Hạ tầng dự
trữ thương mại: Đảm bảo hạ tầng dự trữ thương mại ổn định nhu cầu thị trường
trong nước với sức chứa tăng thêm từ 2.500.000-3.500.000 m3 trong giai đoạn
2021 -2030, đạt sức chứa tới 10.500.000 m3 giai đoạn sau năm 2030, đáp ứng 30 -
35 ngày nhập ròng.
Hạ tầng dự
trữ quốc gia: Đảm bảo hạ tầng phục vụ dự trữ quốc gia với sức chứa từ 500.000 -
1.000.000 m3 sản phẩm xăng dầu và 1.000.000 - 2.000.000 tấn dầu thô, đáp ứng
15-20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021 - 2030; đảm bảo sức chứa từ 500.000 -
800.000 m3 sản phẩm xăng dầu và 2.000.000 - 3.000.000 tấn dầu thô, đáp ứng 25 -
30 ngày nhập ròng trong giai đoạn sau năm 2030.
Đối với hạ
tầng dự trữ khí đốt phấn đầu đảm bảo hạ tầng dự trữ đối với LPG sức chứa tới
800.000 tấn giai đoạn 2021 - 2030 và tới 900.000 tấn giai đoạn sau năm 2030.
Đảm bảo hạ
tầng dự trữ LNG đủ năng lực nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường;
góp phần đảm bảo cung cấp nhu cầu khí nguyên liệu cho năng lượng và các ngành
công nghiệp với công suất kho tới 20 triệu tấn/năm giai đoạn 2021 - 2030 và tới
40 triệu tấn/năm giai đoạn sau năm 2030.
Về Hạ tầng
cung ứng xăng dầu, khí đốt
Phát triển
hạ tầng cung ứng xăng dầu, khí đốt đáp ứng nhu cầu vận tải bằng đường ống từ
nguồn cung ứng (nhà máy lọc dầu, kho đầu mối xăng dầu, trạm phân phối LPG và
kho LNG nhập khẩu) tới các trung tâm, hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng.
Định hướng
phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu
Theo định
hướng, xây dựng hệ thống dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu phân bố tương ứng
với nhu cầu sản xuất và tiêu thụ xăng dầu của các vùng, các địa phương; tối ưu
về chi phí đầu tư, quản lý và vận hành.
Phát triển
hạ tầng dự trữ dầu thô, nguyên liệu đảm bảo ổn định sản xuất. Quy mô tiến độ đầu
tư phù hợp với công suất thiết kê và kế hoạch sản xuất.
Phát triển
mới hệ thống dự trữ xăng dầu quy mô phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của từng vùng,
địa phương theo từng giai đoạn tại các khu vực có lợi thế về cảng biển nước sâu
và thuận lợi về kết nối với hệ thống cung ứng, đáp ứng nhu cầu dự trữ thương mại
và dự trữ quốc gia.
Phát triển
hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu quy mô lớn ở các tuyến đường mới, các khu đô
thị mới, có lộ trình giảm số cửa hàng xăng dầu quy mô nhỏ lẻ. Tích hợp các dịch
vụ tiện ích (nạp điện, sửa chữa bảo dưỡng xe, bán hàng tự động, ăn uống, bách
hóa, bãi đỗ xe nghỉ qua đêm...) trong quá trình cải tạo, nâng cấp và xây mới cửa
hàng xăng dầu…
Định hướng
phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng khí đốt
Hệ thống dự
trữ, cung ứng khí đốt được phát triển đồng bộ với xuất nhập khẩu, khai thác, vận
chuyển, chế biến dầu khí.
Đầu tư xây
dựng hệ thống kho chứa và đường ống vận chuyển khí thiên nhiên hóa lỏng, khí dầu
mỏ hóa lỏng từ kho đầu nguồn tới các hộ tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu nhiên liệu
cho năng lượng, phân bón, công nghiệp, giao thông vận tải và dân dụng.
Theo BĐT