Sakhalin 2 - dự án LNG đầu tiên của Nga được vận hành bởi tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga, nắm giữ khoảng 50% cổ phần. Shell, cổ đông số 2 với 27,5% cổ phần, được cho là đang tổ chức các cuộc đàm phán chung với Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi quốc gia Trung Quốc(CNOOC), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc(CNPC) và Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc(Sinopec) để bán toàn bộ số cổ phần mà hãng này nắm giữ tại dự án trên.

Vào tháng 2, công ty niêm yết tại London cho biết họ sẽ rút khỏi dự án, sau khi khủng hoảng quân sự Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ và các nước phương tây ra sức gây sức ép và áp đặt các lệnh trừng phạt đánh vào nền kinh tế Nga.

Các công ty thương mại Nhật Bản Mitsui & Co. và Mitsubishi Corp. cũng lần lượt nắm giữ 12,5% và 10%, khiến Sakhalin-2 trở thành một dự án quan trọng đối với Nhật Bản.

Hạn ngạch xuất khẩu của Sakhalin 2 không tương ứng với quy mô đầu tư. Trong số sản lượng hàng năm khoảng 10 triệu tấn, khoảng 60% là dành cho Nhật Bản. Dự án này chiếm gần như toàn bộ lượng LNG nhập khẩu của Nhật Bản từ Nga và khoảng 10% tổng lượng LNG nhập khẩu của Nhật Bản.

Khoảng 20% ​​LNG của Sakhalin 2 được các công ty năng lượng của Hàn Quốc mua theo hợp đồng dài hạn. Các công ty Trung Quốc cũng mua một phần trên thị trường giao ngay.

Các cuộc đàm phán của Shell với CNOOC, CNPC và Sinopec – 3 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc được cho là đang ở giai đoạn đầu và có thể sẽ kết thúc. Đại diện của Shell và CNPC hiện chưa đưa ra bình luận nào về thông tin của các cuộc đàm phán.

Shell hiện chưa công bố thông tin cho các cổ đông khác của Sakhalin 2 chi tiết về kế hoạch rút khỏi dự án khi nào và như thế nào. Ngoài các doanh nghiệp Trung Quốc, có nhiều công ty năng lượng đã thể hiện sự quan tâm đến cổ phần của Shell.

Shell sẽ cần sự chấp thuận của Moscow trước khi có thể bán cổ phần của mình trong Sakhalin 2.

Theo nguồn tin từ một công ty điện lực lớn của Nhật Bản cho hay “những người có khả năng duy nhất sẽ là các công ty Trung Quốc hoặc Nga”

Còn theo một công ty thương mại tại Nhật Bản cho biết: Dù việc thay đổi sở hữu cổ phần trong dự án Sakhalin 2 diễn ra như thế nào thì các hợp đồng đã ký kết trong dài hạn vẫn sẽ được duy trì.

Nhà nhập khẩu năng lượng Nhật Bản JERA, liên doanh 50-50 giữa Tokyo Electric Power Co. Holdings và Chubu Electric Power, thu mua hơn 1,5 triệu tấn LNG mỗi năm theo hợp đồng với Sakhalin 2 kéo dài 20 năm bắt đầu từ năm 2009 thì cho hay: Việc thay đổi quyền sở hữu bình thường có thể không ảnh hưởng đến hợp đồng của JERA. Tuy nhiên nếu khủng hoảng quân sự Nga – Ukraine vẫn tiếp tục kéo dài, thì không có yếu tố nào được đảm bảo là chắc chắn.

Việc hết hạn các hợp đồng hiện tại sẽ làm tăng nguy cơ Nhật Bản mất khả năng tiếp cận nguồn năng lượng từ LNG. Một số hợp đồng dài hạn mà các công ty Nhật ký kết sẽ hết hạn vào hoặc khoảng năm 2030.

Nếu giả định rằng Mitsui và Mitsubishi vẫn giữ cổ phần Sakhalin 2 của họ, nhưng các công ty Trung Quốc và Nga có thể có tiếng nói lớn hơn đối với các hợp đồng cung cấp dài hạn mới. Điều này có thể dẫn đến giảm tỷ trọng nguồn cung LNG của Nhật Bản và dấy lên lo ngại về an ninh năng lượng.

Mua LNG từ Sakhalin 2 rẻ hơn nhiều so với mua trên thị trường giao ngay. Nếu không có Sakhalin 2, dân chúng Nhật Bản có thể phải đối mặt với chi phí năng lượng bổ sung lên tới hàng nghìn tỷ yên (1 nghìn tỷ yên tương đương 7,79 tỷ USD) mỗi năm. Hóa đơn tiền điện và ga có thể bị đẩy lên cao hơn nữa.

Ở thời điểm hiện tại, Mitsui và Mitsubishi hiện chưa có kế hoạch sẽ rời khỏi Sakhalin2.

"Chúng tôi lo ngại rằng nếu Nhật Bản rời khỏi dự án và nếu lợi ích được Nga hoặc nước thứ ba mua lại, thì điều đó sẽ có lợi cho Nga và sẽ không dẫn đến các biện pháp trừng phạt có hiệu lực", Koichi Hagiuda, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chia sẻ với các phóng viên mới đây.

Một công ty Nhật Bản tham gia vào lĩnh vực năng lượng sẽ gặp khó khăn trong việc rời khỏi dự án một cách độc lập nếu quyết định như vậy sẽ ảnh hưởng đến chính sách quốc gia. Đồng thời, Nhật Bản đã trả khoảng 370 tỷ yên cho khí đốt của Nga vào năm 2021. Một công ty duy trì các hoạt động kinh doanh đáng kể ở Nga có nguy cơ làm suy yếu hiệu quả của các lệnh trừng phạt.

Để Nhật Bản tăng cường an ninh năng lượng, các nhà hoạch định chính sách sẽ có nhiệm vụ nghiên cứu các lựa chọn khác, chẳng hạn như đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo và khởi động lại các nhà máy hạt nhân hiện không hoạt động. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp đã thành lập một tổ chức mới để nghiên cứu các phương pháp tiếp cận nhằm đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng và kim loại hiếm một cách ổn định.

Theo Nikkei