Các chuyên gia trong ngành cho biết, Quốc gia này sẽ tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả than sạch, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các công nghệ có liên quan để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng trong quá trình chuyển đổi xanh của đất nước.

Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Trung Quốc (China Energy Engineering Group Co Ltd) - Song Hailiang, cho biết quốc gia cần nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sản xuất điện than và phát triển các công nghệ liên quan nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch và hiệu quả nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và đạt được sự phát triển xanh.

Ông Song Hailiang – đồng thời là người giữ vai trò thành viên của Ủy ban Quốc gia lần thứ 14 của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc nhấn mạnh rằng mặc dù tỷ lệ sử dụng năng lượng mới trong lĩnh vực sản xuất điện tăng nhanh trong vài năm qua tại Trung Quốc, nhưng than đá vẫn sẽ đóng vai trò lớn hơn như một nguồn cung cấp năng lượng dự phòng khẩn cấp hơn là một nguồn cung cấp năng lượng hỗ trợ cơ bản, vì quốc gia này cam kết sẽ đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060,

Ông đề xuất đổi mới các tiêu chuẩn thiết kế liên quan và cơ chế định giá cho điện than, cùng với việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Chính phủ Trung Quốc hiện cũng cam kết tiếp tục tăng cường vai trò hỗ trợ cơ bản của than và thực hiện các bước có trật tự để tăng sản lượng khai thác than, đồng thời nỗ lực nhanh hơn để phát triển các hệ thống năng lượng mới nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của đất nước.

Số liệu theo báo cáo công tác chính phủ nêu tại cuộc họp thứ nhất của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 14 vừa mới đây đã cho thấy Than vẫn tiếp tục đóng vai trò là nguồn năng lượng chính ở Trung Quốc trong năm qua và công suất khai thác than đã được bổ sung để hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp sản xuất điện và cung cấp nhiệt nhằm đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Cụ thể, Báo cáo cho biết, trong 5 năm qua, công suất đốt than phát điện phát thải cực thấp của Trung Quốc đã vượt quá 1.050 gigawatt.

Ước tính sơ bộ của Cục Thống kê Quốc gia cho thấy tổng mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc vào năm 2022 lên tới 5,41 tỷ tấn than tiêu chuẩn tương đương, trong đó, tiêu thụ than chiếm 56,2%.

Tiêu thụ các loại năng lượng sạch, ví dụ như khí đốt tự nhiên, thủy điện, hạt nhân, năng lượng gió và mặt trời chiếm 25,9% - tăng 0,4 điểm phần trăm so với năm trước đó.

Theo 1 số nhà phân tích cho rằng thay vì cấm hoàn toàn than đá, Trung Quốc cần nỗ lực phát triển các công nghệ liên quan nhằm thúc đẩy việc sử dụng than sạch và hiệu quả hơn để hướng đến sự bền vững.

Luo Zuoxian - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và dự báo tại Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Sinopec, cho biết Trung Quốc - với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đã tăng cường sử dụng khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo trong những năm gần đây để giảm lượng khí thải carbon. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã làm nổi bật tầm quan trọng của an ninh năng lượng.

Vị này chia sẻ: “Đối với Trung Quốc, than đá là nguồn năng lượng chính sẽ đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng an toàn. Mục đích trung hòa cácbon có thể mâu thuẫn với an ninh năng lượng và việc chuyển đổi than, cùng với các công nghệ khác bao gồm thu hồi và lưu trữ carbon, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho quá trình chuyển đổi xanh.”

Ông Luo Zuoxian cho biết, sự phụ thuộc vào than đá chỉ là tạm thời do các hình thức phát điện xanh mới nổi chưa thể đáp ứng hết nhu cầu tăng trưởng, nhưng xu hướng chắc chắn là tiêu thụ than đá sẽ bắt đầu giảm hàng năm.

Còn theo ông Song Hailiang nhận xét, Trung Quốc đã tối ưu hóa cơ cấu điện than đồng thời loại bỏ năng lực sản xuất lạc hậu trong những năm gần đây. Than vẫn là một phần quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc và sẽ đóng một vai trò không thể thay thế trong việc đạt được quy định về đỉnh công suất và đảm bảo cung cấp năng lượng an toàn và đáng tin cậy.