Mới đây, ông Peter Cai, CEO J&T Express Singapore chia sẻ với tựa đề
"Thương mại điện tử vẫn còn nhiều tiềm
năng phát triển bất chấp sự trở lại của xu hướng mua sắm truyền thống sau đại dịch
Covid-19".
Theo ông Peter Cai, những ảnh hưởng từ lạm phát gia tăng, cùng với nỗ lực nới
lỏng các hạn chế do đại dịch Covid-19 gây ra được nhiều chuyên gia kinh tế nhận
định, rằng 2023 là một năm đầy thách thức đối với các nhà bán lẻ trực tuyến.
Bởi ngay khi các hoạt động giãn cách xã hội được nới lỏng, người tiêu dùng
nhanh chóng quay về với thói quen mua sắm tại cửa hàng, điều này đẩy nhanh sự
phục hồi của kênh bán lẻ truyền thống. Sự phục hồi trở lại của xu hướng bán lẻ
tại cửa hàng trong năm qua là một minh chứng báo hiệu rằng, sự vươn lên thống
trị của thương mại điện tử sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến.
Tuy nhiên, ông Peter Cai nhận định, bất chấp những thách thức, ngành thương mại điện tử ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn đạt khoảng 3.468 tỷ USD, với mức tăng trưởng 12,53% trong năm 2022. Đến năm 2023, tương lai cho doanh số bán hàng thương mại điện tử ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đầy hứa hẹn, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự kiến là 10,24% trong giai đoạn 2022 - 2027.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên, ông Peter Cai đã chỉ ra những xu hướng
mới mà doanh nghiệp thương mại điện tử cần tập trung trong năm 2023 và những
năm tới.
Thương mại xã hội
Thương mại xã hội (Social Commerce) là hoạt động quảng bá sản phẩm, bán
hàng trên các nền tảng mạng xã hội của cá nhân, doanh nghiệp. Theo ông Peter
Cai, các nền tảng truyền thông xã hội không chỉ là nơi để giải trí mà còn là
nơi cung cấp nhiều thông tin cho người dùng. Việc tích hợp mua sắm vào các nền
tảng này sẽ tạo ra một cộng đồng người mua sắm có cùng sở thích.
Trên thực tế, thương mại xã hội dự kiến đạt 1.200 tỷ USD vào năm 2025, tăng
trưởng nhanh gấp 3 lần so với thương mại điện tử truyền thống.
Bởi thương mại xã hội mang tính xã hội nên người tiêu dùng dễ dàng bị ảnh
hưởng bởi những người xung quanh, và có nhiều khả năng bị cộng đồng có chung sở
thích mua sắm thuyết phục hơn so với việc đầu tư vào quảng cáo kỹ thuật số truyền
thống.
Bên cạnh những cơ hội, thương mại xã hội cũng gặp một vài bất cập. Chẳng hạn như người bán trên các nền tảng xã hội sẽ có tỷ lệ trả lại hàng cao hơn vì người tiêu dùng có thể có xu hướng mua hàng theo cảm hứng nhiều hơn. Điều này gây ra sự phức tạp trong việc quản lý hậu cần của hàng trả lại.
Sự xuất hiện của công nghệ AR/VR
trong thương mại điện tử
Thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) thường được liên kết nhiều hơn
trong lĩnh vực giải trí và mạng xã hội, nhưng gần đây, công nghệ AR/VR đã xâm
nhập vào ngành thương mại điện tử. Bởi AR và VR giải quyết một rào cản lớn
trong việc mua sắm trực tuyến - không có khả năng tạo ra trải nghiệm "chạm
và cảm nhận" như việc mua sắm tại các cửa hàng truyền thống.
Lãnh đạo của J&T Express Singapore đưa ra ví dụ, nền tảng thương mại điện
tử Shopify khai thác công nghệ AR để giới thiệu sản phẩm ảo và tạo ra trải nghiệm
mua sắm như trong thế giới thực cho người tiêu dùng trên điện thoại di động.
Điều này góp phần làm tăng tỷ lệ chuyển đổi xu hướng mua sắm, đồng thời giảm
tỷ lệ trả lại hàng khi người tiêu dùng cảm thấy tự tin hơn khi mua hàng. Người
bán có thể thử nghiệm tích hợp AR thông qua việc tạo ra các bản dùng thử và
cung cấp hình ảnh sản phẩm nhằm giúp người tiêu dùng hình dung ra sản phẩm.
"Đổi mới và khả năng thích ứng sẽ vẫn là chìa khóa để đảm bảo rằng họ có thể đi trước xu hướng của người tiêu dùng. Thông qua việc ưu tiên người tiêu dùng làm trung tâm trong các chiến lược kinh doanh, công nghệ sẽ là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ bền vững giữa thương hiệu và khách hàng trong thời gian dài", ông Peter Cai nhấn mạnh.
Kinh doanh bền vững
Dựa trên nghiên cứu của Nielsen, có đến 66% khách hàng trên thế giới sẽ chi
trả nhiều hơn cho những sản phẩm thân thiện môi trường và sản phẩm bền vững.
Điều này có nghĩa là ngoài giá thành và chất lượng sản phẩm, người tiêu
dùng giờ đây quan tâm nhiều hơn đến việc liệu các công ty có chính sách ESG
(môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) phù hợp hay không, nên những người
bán có thể giao sản phẩm của họ một cách nhanh chóng trên cơ sở bền vững, sẽ là
những người thu được nhiều lợi ích hơn.
Do đó, theo ông Peter Cai, các doanh nghiệp cần lựa chọn những giải pháp
như các hoạt động giữ gìn môi trường, dùng bao bì tái chế nhằm hưởng ứng phong
trào bảo vệ môi trường.
MKA