Biện pháp này sẽ là một phần trong gói cứu trợ mới mà Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã  yêu cầu nội các của ông thực thi vào thứ 3 tuần trước và sẽ áp dụng cho đến cuối tháng 4 nhằm giảm bớt áp lực tiêu cực mà việc giá nhiên liêu và nguyên vật liệu đầu vào tăng cao tác động tới nền kinh tế.

Bộ trưởng Koichi Hagiuda nói: “Chúng tôi lo ngại rằng đồng yên đang bị suy yếu, cùng với giá dầu và khí đốt tự nhiên leo thang trong cuộc khủng hoảng Ukraine - Nga, đang có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và cuộc sống hàng ngày của người dân”.

BT Hagiuda cho biết, để giảm bớt tác động từ giá nhiên liệu cao hơn, Bộ Thương mại và công nghiệp có thể sẽ mở rộng chương trình trợ cấp bằng cách hạ giá cơ sở và nâng mức trần thanh toán, hoặc kết hợp phương án trợ cấp với việc dỡ bỏ lệnh đóng băng đối với các điều khoản kích hoạt thuế.

Nhật Bản đã thực hiện một chương trình trợ cấp tạm thời vào tháng 1 để giảm giá xăng và các nhiên liệu khác tăng mạnh sau khi nguồn cung toàn cầu thắt chặt làm giá dầu tăng.

Mức trần đối với trợ cấp đã được tăng gấp 5 lần lên 25 yên (20 xu) một lít vào tháng 3 và chương trình này gần đây đã được kéo dài đến cuối tháng 4 so với kế hoạch trước đó vào cuối tháng 3.

BT Hagiuda cho biết, mức trợ cấp hiện tại có thể được kết hợp với việc áp dụng lại "điều khoản kích hoạt" được thiết kế để cắt giảm thuế đối với xăng và dầu diesel khi giá xăng ở mức trên 160 yên/lít trong ba tháng liên tiếp. Và hiện tại bộ thương mại Nhật bản đang nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng 2 phương án trên để lựa chọn phương án tốt nhất hoặc kết hợp cả 2.

"Việc giải phóng điều khoản kích hoạt sẽ làm giảm nguồn thu thuế cho chính quyền địa phương và gây ra nhiều nhiệm vụ hành chính khác nhau như sắp xếp lại ngân sách. Chúng tôi sẽ phải xem xét làm thế nào để giảm thiểu những tác động tiêu cực này", BT Hagiuda nói thêm.

Ông Hagiuda cũng nhắc lại việc Nhật Bản sẽ không rút khỏi các dự án dầu khí Sakhalin-1 và Sakhalin-2 ở Nga, nhưng quốc gia nghèo tài nguyên này sẽ hướng tới mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga để phù hợp với các đồng minh G7.

Theo Reuters