Tập đoàn Công nghiệp Than -
Khoáng sản Việt Nam (TKV) là một trong 3 tập đoàn kinh tế nhà nước, được Chính
phủ giao trọng trách trụ cột trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Năm
2021 - năm thứ hai liên tục vừa chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo thực hiện nhiệm
vụ sản xuất - kinh doanh năm đầu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, mặc dù gặp nhiều khó khăn chồng
chất, nhưng với truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” và lao động sáng tạo của Thợ
mỏ - Ngành than, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ cùng chính
quyền địa phương các cấp trên cả nước, công nhân, cán bộ và người lao động của
Tập đoàn đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ.
Mới đây trong buổi phỏng vấn với TCNLVN , Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)- ông Lê Minh Chuẩn đã chia sẻ đôi điều về chiến lược cũng như hướng hoạt động của tập đoàn trong thời gian sắp tới.
Theo ông Lê Minh Chuẩn, Để đảm bảo
được sản lượng than cung cấp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế, nhất
là đáp ứng nhu cầu than cho phát điện thì Tập đoàn đang tập trung giải quyết
hai vấn đề trọng yếu và mang tính chiến lược dài hạn, đó là đảm bảo sản lượng
than khai thác trong nước và tăng cường hội nhập và cân đối định hướng nhập khẩu
than phù hợp với năng lực sản xuất trong nước và thích ứng linh hoạt với nhu cầu
của thị trường.
Một là: Giải pháp đảm bảo sản
lượng than khai thác trong nước
Việc khai thác than trong nước thực
hiện theo định hướng và các giải pháp như sau
Đẩy mạnh đầu tư thăm dò một cách
hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn và nâng cao mức độ tin cậy của công tác thăm
dò nhằm thực hiện mục tiêu nắm chắc tài nguyên, đảm bảo đủ trữ lượng than tin cậy
cho việc khai thác theo QH, nhất là tại Bể than Đông Bắc.
Tập trung phát triển các mỏ hầm
lò sản lượng lớn theo tiêu chí “Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao”. Liên
thông các mỏ hầm lò có cùng điều kiện khoáng sàng thành các mỏ có công suất lớn
trên 2,0 triệu tấn/năm. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới công nghệ khai thác theo hướng
tiên tiến hiện đại gắn liền với cơ giới hóa, tự động hóa và tin học hóa; thực
hiện đồng bộ các giải pháp với mục tiêu đảm bảo an toàn, tăng năng suất lao động
và giảm chi phí.
Phát triển mở rộng các mỏ lộ
thiên hiện có theo hướng nâng cao hệ số bóc giới hạn, phù hợp với điều kiện kỹ
thuật và giá bán than; nâng cao tối đa năng lực khai thác phù hợp với quy hoạch
đổ thải, vận tải, thoát nước và bảo vệ cảnh quan môi trường. Tiếp tục đổi mới đồng
bộ và hiện đại hóa thiết bị dây chuyền khai thác, vận tải theo hướng đưa vào sử
dụng các thiết bị cơ động công suất lớn, các hệ thống vận tải liên tục phù hợp
với điều kiện và quy mô của từng mỏ.
Khai thác tận thu tối đa nguồn
tài nguyên than, bao gồm cả phần tài nguyên tại các khu vực trụ bảo vệ các công
trình hầm lò, phần tài nguyên còn lại sau khi đã khai thác hầm lò...
Tăng cường băng tải hóa trong vận
tải than tiến tới chấm dứt vận tải ô tô trong hệ thống vận tải ngoài tại tất cả
các vùng than để giảm thiểu phát thải bụi, khí thải, tiếng ồn, nâng cao năng suất,
giảm tai nạn và chi phí.
Tăng cường đầu tư phát triển và
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có chính sách, biện pháp thích đáng thu hút
công nhân hầm lò, đồng thời đảm bảo an toàn lao động với mục tiêu “tai nạn bằng
không”.
Tăng cường hợp lý hóa sản xuất và
công tác quản trị chi phí để giảm tiêu hao vật tư, nâng cao năng suất lao động,
giảm chi phí và hạ giá thành than.
Tăng cường sự hợp tác chặt chẽ, bền
vững, hiệu quả giữa các doanh nghiệp SXKD than, các đơn vị phụ trợ và các hộ sử
dụng than, nhất là các NMNĐ than để đảm bảo quá trình sản xuất - tiêu thụ - sử
dụng than diễn ra liên tục, ổn định.
Có giải pháp huy động tối đa các
nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư để góp phần thúc đẩy tiến độ thi công và
nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư khai thác than. Đồng thời tăng cường hội nhập
và mở rộng hợp tác với các đối tác có tiềm lực mạnh ở nước ngoài.
Chủ động bảo vệ môi trường nhằm đảm
bảo sự phát triển của ngành than thân thiện với môi trường, với mục tiêu đưa
ngành than trở thành ngành kinh tế xanh, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí
hậu thông qua các giải pháp đồng bộ, phù hợp.
Hai là: Cân đối định hướng
nhập khẩu than phù hợp với năng lực sản xuất trong nước và thích ứng linh hoạt
với nhu cầu của thị trường
Mục tiêu lớn nhất của nhập khẩu
than cho sản xuất điện là đảm bảo được nguồn cung ổn định trong dài hạn với giá
cạnh tranh trên cơ sở. Đa dạng hoá nguồn cung; Đầu tư chiếm lĩnh thị trường đảm
bảo thị phần chắc chắn, ổn định; Áp dụng phương thức mua và định giá than phù hợp.
Tăng cường thương thảo, hợp tác với
các đối tác ở In-đô-nê-xi-a, Úc, Nga, U-krai-na, Nam Phi… để nhập khẩu than cho
Việt Nam đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu trong nước.
Về hệ thống hạ tầng logistics phục
vụ xuất, nhập khẩu than: Để phù hợp yêu cầu phát triển trong thời gian tới cần
thiết phải tiếp tục đầu tư xây dựng các cảng, bến bãi rót, pha trộn và vận chuyển
than tại các vùng: Đông Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng và các vùng khác./.
Nguồn: TCNLVN