Việt Nam mới chỉ đáp ứng được từ khoảng 30 đến 40% nguyên liệu
Dù là nước xuất khẩu dệt may với
kim ngạch lên tới hàng chục tỷ đôla Mỹ mỗi năm song Việt Nam vẫn chỉ được thế
giới biết đến là một nước chuyên về gia công sản phẩm. Theo Bộ Công Thương, điều
này xuất phát từ việc Việt Nam mới chỉ chủ động được khoảng 30-40% nguyên liệu
trong nước.
Cụ thể là Việt Nam mới cung cấp
được 0,2% nhu cầu về bông, 30% nhu cầu xơ, còn lại là phải nhập khẩu từ Mỹ,
Trung Quốc và Đài Loan,… Sản lượng sợi đạt 1,4 triệu tấn một năm nhưng hơn 70%
trong đó là xuất khẩu do chất lượng thấp, không đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Đặc biệt, phần lớn doanh nghiệp trong ngành là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn hạn
chế nên việc đầu tư cho nghiên cứu cũng như công nghệ chưa được chú trọng.
Trong khi đó, theo ông Trần Như
Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), kiêm Giám đốc Ủy ban
Phát triển bền vững, để thoát kiếp “gia công” thì doanh nghiệp phải chủ động được
nguồn nguyên liệu, phải có sự đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D).
Tuy vậy để đầu tư cho R&D cần
vốn “trường dài” và không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Đó là chưa kể muốn
phát triển ngành dệt may Việt Nam ngoài các yếu tố trên còn cần sự gắn kết và hợp
tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và các trường đào tạo.
Về vấn đề này, bà Bùi Mai Hương -
Trưởng khoa Thiết kế thời trang Trường Đại học Bách Khoa - khẳng định, cần củng
cố mạnh mẽ hơn việc liên kết để có thể cùng nhau tập trung đầu tư cho R&D.
Bởi lẽ trong ngành dệt may, máy móc không còn là yếu tố duy nhất cần được đầu
tư phát triển mà bên cạnh đó cần đầu tư vào R&D. Trong tinh thần đó, việc
nghiên cứu thực tế và phát triển sản phẩm để tìm ra phương án phù hợp cho xã hội
trở thành xu hướng của sinh viên, thay vì chỉ quan tâm nhiều đến những giá trị
lợi ích cá nhân như trước đây.
“Tại trường Bách Khoa, nhóm các bạn
sinh viên ngành nghiên cứu thời trang đã và đang nghiên cứu phát triển các loại
vải, sợi, từ thiên nhiên cũng như phát hiện ra phương pháp tái sử dụng vỏ dừa để
làm ra sợi vải,… Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu này chưa thực sự được
thương mại hóa để áp dụng vào sản xuất và cần sự chung tay của doanh nghiệp”-
bà Mai Hương chia sẻ.
Cơ hội cho doanh nghiệp cung ứng
nội địa và hướng đi “Xanh hóa” nguồn nguyên phụ liệu
Nhận thấy những điểm hạn chế của ngành dệt may Việt Nam, thời gian qua nhiều doanh nghiệp dệt may đã đẩy mạnh nội địa hóa nguyên phụ liệu, đồng thời liên kết chặt chẽ với các trường để tìm kiếm nhân tài và nâng cao chất lượng gia tăng sản xuất. Chẳng hạn Công ty CP Dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công (TCM), theo ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT của TCM, doanh nghiệp này đã đầu tư hàng tỷ đồng cho R&D và hàng năm đều tuyển dụng sinh viên của Trường đại học Bách Khoa để trao cho các em cơ hội nghiên cứu ra những loại sợi vải vừa thân thiện môi trường lại vừa có tính ứng dụng cao.
Hay với Faslink cũng tiên phong đầu
tư mạnh cho R&D và cho ra thị trường nhiều loại sợi vải “xanh” từ sen, cà
phê, bạc hà, tre… có tính ứng dụng cao và được thị trường đón nhận tích cực.
“Trong vòng 4 năm qua, nhu cầu về tiêu dùng của sản phẩm thời trang bền vững
(sustainable fashion) rõ nét hơn vì càng nhiều các yêu cầu cung ứng vật tư của
các doanh nghiệp tại nội địa đặt hàng với chúng tôi. Ước tính, chỉ riêng trong
năm 2021 chúng tôi đã cung ứng cho thị trường khoảng 8 triệu mét vải nguyên liệu
thành phẩm các loại và tất cả đều đáp ứng tiêu chí xanh”- đại diện của Faslink
chia sẻ.
Trên thực tế, theo VITAS, việc nội
địa hóa nguyên phụ liệu cũng như “xanh hóa” các sản phẩm này đang là xu thế tất
yếu mà doanh nghiệp Việt bắt buộc phải đáp ứng. Bởi lẽ trên thế giới quá trình
chuyển đổi xanh của ngành dệt may thời trang ngày càng rõ rệt và người tiêu
dùng không chấp nhận sử dụng những sản phẩm thời trang không có nguồn gốc rõ
ràng, không bảo vệ môi trường; thậm chí là nếu doanh nghiệp sử dụng lao động
không đúng theo cam kết quốc tế cũng sẽ không được chấp nhận.
Những sản phẩm thiết
kế có tính ứng dụng cao trong bộ sưu tập Faslink hợp tác với các nhà thiết kế
trẻ tài năng từ sợi vải xanh (sợi cà phê, sợi bạc hà, sợi vỏ hàu,..)
“Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều
doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu giống như Faslink đang làm rất tốt việc
nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm phù hợp với xu thế và thị hiếu của khách hàng.
Tuy nhiên thị phần của ngành này vẫn còn rất lớn nên sẽ là cơ hội nếu các doanh
nghiệp tiếp tục đầu tư để nắm bắt kịp thời”- đại diện của VITAS cho biết thêm.
Ngọc Thùy - BCT