Tục thả cá
chép vào dịp cúng ông Công, ông Táo từ lâu đã trở thành một nét đẹp trong văn
hoá dân gian và tâm linh của người Việt.
Giống như
mọi năm, càng gần đến ngày Tết ông Công, ông Táo (ngày 23, tháng Chạp Âm lịch),
những người nuôi cá chép đỏ tại Nam Định càng nhộn nhịp, tất bật đánh bắt cá, vận
chuyển cá cho các thương lái đưa đi các nơi tiêu thụ. Năm nay, cá chép đỏ bán
được giá và dễ bán, người nuôi cá rất phấn khởi.
Những năm
gần đây ngoài nuôi cá truyền thống, nhiều hộ dân tại phường Lộc Vượng, thành phố
Nam Định đã tận dụng diện tích mặt nước sẵn có để kết hợp nuôi cá chép đỏ phục
vụ thị trường ngày Tết ông Công, ông Táo.
Cá chép đỏ
khá dễ nuôi, thời gian nuôi ngắn, giá bán ổn định... việc kết hợp nuôi cùng các
loại cá khác mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Ông Trần Mạnh
Cường, một trong những hộ nuôi cá chép đỏ lớn tại phường Lộc Vượng chia sẻ, năm
nay ông nuôi trên 10 tấn cá chép đỏ, ngay từ đầu tháng 11 Âm lịch đã có nhiều
thương lái ở các tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên... liên hệ
đặt mua. Đến ngày 20 tháng Chạp, ông Cường đã bán được trên 6 tấn cá, dự kiến số
cá còn lại sẽ được bán hết trong buổi sáng ngày 22 tháng Chạp.
Theo ông
Cường, giá cá chép đỏ năm nay tương đương với năm ngoái, giá dao động từ 65-70
nghìn đồng/kg, nhưng sức mua lại cao hơn.
Thời điểm
cách ngày Tết ông Công, ông Táo 1 tuần đã có rất nhiều thương lái đến bắt cá về
tiêu thụ. Cá năm nay to đều, khỏe, ít bệnh tật, người mua cũng rất yên tâm.
Để có được
cá chép đỏ khỏe mạnh phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết ông Công, ông Táo, từ
tháng 6 (Dương lịch) người nuôi đã phải xuống giống.
Nuôi cá
chép đỏ đòi hỏi phải tỉ mỉ hơn các loại cá thông thường, ngoài việc phải thường
xuyên vệ sinh ao nuôi, trong quá trình chăm sóc, phải cho cá ăn thức ăn đảm bảo,
sẵn sàng máy bơm nước, máy khuấy tạo ô-xy, để sử dụng khi cần điều tiết nước,
điều hòa ô-xy trong nước cho cá khi thời tiết nắng nóng hoặc lạnh đột ngột.
Theo chị
Trần Thị Phúc, một hộ nuôi cá chép đỏ lâu năm tại xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, cá
chép đỏ được người dân mua để cúng ông Công, ông Táo nên việc chăm sóc loại cá
này cũng được người nuôi chăm chuốt rất cẩn thận.
Khi nuôi
phải hạn chế cho cá ăn để đến khi cá thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay là
vừa đẹp. Đối với cá chép đỏ đến kỳ thu hoạch, trước khi đánh bắt từ ao lên, chỉ
cần cho ăn vừa đủ, quây trong ô lưới có diện tích nhỏ để giúp cá quen với môi
trường chật chội, ô xy thấp khi vận chuyển.
Chị Trần
Thị Phúc chia sẻ, năm nay, gia đình có 2 ao chuyên nuôi cá chép đỏ. Cũng như mọi
năm, năm nay, gia đình dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng hơn 2 tạ cá.
Năm nay được
giá, thương lái tranh nhau mua khiến người dân nuôi cá chép đỏ đều rất phấn khởi.
Với giá bán buôn tại ao dao động từ 80-90 nghìn đồng/kg loại 30-50 con/kg; từ
60-70 nghìn đồng/kg loại 100 con/kg. Sau khi trừ chi phí, dự kiến gia đình sẽ
thu về khoảng 30 triệu đồng.
Chị Nguyễn
Thị Hiền, một thương lái buôn cá chép đỏ cho biết, phong tục thả cá chép đỏ
trong ngày Tết ông Công, ông Táo đã trở thành nét đẹp truyền thống của người Việt,
vì vậy nhu cầu cá chép đỏ của người dân trong những năm gần đây tăng cao.
Năm nay,
chị mua khoảng 6 tấn cá chép đỏ tại Nam Định để đổ cho các tiểu thương tại các
chợ đầu mối trên Hà Nội, cá ở đây có kích cỡ vừa phải, khỏe, màu đỏ tươi, vây
nhọn, vẩy ánh đẹp nên được thị trường ưa chuộng.
Dạo quanh
một vòng các khu chợ cóc khu vực Hoàng mai Hà Nội, sáng ngày 23 tháng chạp, giá
một bộ cá chép gồm 3 ông (Theo quan niệm, Táo quân có 2 ông 1 bà vì vậy, các
gia đình thường mua dâng mỗi người một con cá chép tổng 3 con) dao động trong
khoảng từ 20-30 ngàn đồng/bộ.
Việc thả cá
Chép trong những năm gần đây người dân cũng đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường,
hiện tượng vứt cả túi nylon khi thả cá không còn nhiều, người dân cũng không vứt
rác bừa bãi sau khi thả cá nữa.
T/h