Nợ nần lớn, chi phí sản xuất cao và mất khả năng cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ các công ty đa quốc gia, đặc biệt là các công ty Trung Quốc, buộc các chủ nhà máy ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á chọn giải pháp dừng hoạt động.

Theo dữ liệu mới nhất của Cục Công trình công nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp Thái Lan, số nhà máy đóng cửa từ tháng 7-2023 đến tháng 6-2024 tăng 40% so với 12 tháng trước đó.

Hậu quả là số việc làm mất mát trong ngành sản xuất công nghiệp tăng 80% trong cùng kỳ, với hơn 51.500 công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp.


Công nhân của ba nhà máy dệt may đóng cửa vào năm 2023 biểu tình kêu gọi trả lương còn nợ và trợ cấp thôi việc tại Bangkok hôm 9-7-2024. Ảnh: Reuters

Số lượng nhà máy đóng cửa ngày càng tăng, đặc biệt kể từ nửa cuối năm ngoái. Năm 2021, số nhà máy đóng cửa trung bình mỗi tháng là 57. Con số nhà máy đóng cửa trung bình tăng lên 83 mỗi tháng vào năm 2022 và lên 159 mỗi tháng vào nửa cuối năm 2023.

Hãng nghiên cứu kinh tế KKP Research, cho biết từ năm 2021 đến tháng 5-2024, ước tính có hơn 3.500 nhà máy đóng cửa. Phần lớn các nhà máy hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất sản phẩm nhựa, sản phẩm da, cao su và các sản phẩm từ cao su, thực phẩm, máy móc, sản phẩm cơ khí, kim loại, chế biến gỗ và sản phẩm gỗ.

Hơn nữa, tốc độ mở nhà máy mới chạm hơn so với tốc độ đóng cửa, dẫn đến số lượng nhà máy mới bị thu hẹp hoặc không tăng trưởng. Từ tháng 1-2023 đến tháng 3-2024, số lượng nhà máy đóng cửa tích lũy vượt quá số lượng nhà máy mở mới.

Khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ

Theo Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) - Kriengkrai Thiennukul, có một số nguyên nhân lớn dẫn đến xu hướng các nhà máy đóng cửa hàng loạt.

Ông giải thích, các nhà sản xuất trong nước đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hàng nhập khẩu giá rẻ từ các công ty nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Ông nói, hàng hóa Trung Quốc chảy ồ ạt vào thị trường trong nước thông qua nhiều kênh. Điều này khiến hàng sản xuất nội địa lép vế vì không thể cạnh tranh về giá cả.

Gần đây, Mỹ công bố áp thuế 25-100% đối với hàng trăm mặt hàng Trung Quốc, đồng thời tăng thuế đối với xe điện từ 27% lên 102%. Một số nước châu Âu cũng đang chuẩn bị tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

“Với những hạn chế thương mại này, Trung Quốc càng dư thừa công suất công nghiệp, buộc chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường châu Á và ASEAN, trong đó có Thái Lan”, ông Kriengkrai Thiennukul giải thích.

Người đứng đầu FTI cho biết, tình trạng khiến nhiều doanh sản xuất vừa và nhỏ của Thái Lan phải dừng hoạt động. Trong khi đó, khi một số khác đóng cửa dây chuyền sản xuất nhưng giữ lại bộ phận bán hàng hoặc tiếp thị, chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu hàng hóa để bán lại.

Theo Sangchai Theerakulwanich, Chủ tịch Liên đoàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Lan, các nhà sản xuất nhỏ đang vật lộn với sự gia tăng chi phí sản xuất do giá năng lượng đắt đỏ và mức lương tương đối cao.

“Chúng tôi cũng cạnh tranh với các doanh nghiệp đa quốc gia.  Những nhà nhà sản xuất trong nước không thể thích ứng nhanh chóng phải đóng cửa nhà máy hoặc thay đổi để sản xuất thứ khác”, ông nói.

Hàng nhập khẩu giá rẻ trên thị trường ảnh hưởng tới hơn 20 trong số 45 nhóm ngành sản xuất công nghiệp mà FTI giám sát trong năm qua. Ông Thiennukul cảnh báo, nếu không có biện pháp ứng phó hữu hiệu, trong năm nay, dự kiến sẽ có ​​hơn 30 nhóm ngành sản xuất công nghiệp có thể bị ảnh hưởng vì hàng nhập khẩu giá rẻ.

Hầu hết các ngành công nghiệp của Thái Lan vẫn mang tính truyền thống, chưa đáp ứng xu hướng hiện đại toàn cầu. Các ngành này hoạt động như nhà sản xuất thiết bị gốc, cung cấp các sản phẩm tương tự như các công ty ở Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Nhưng Thái Lan gặp bất lợi về chi phí điện, nhân công.

Ông Thiennukul lưu ý, tất cả các lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Thái Lan có nguy cơ chứng kiến thêm thêm nhà máy đóng cửa. Theo ông, các biện pháp bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước của Thái Lan, so với các nước láng giềng như Indonesia, không đủ nghiêm ngặt để kìm hãm dòng chảy hàng nhập khẩu giá rẻ và chất lượng thấp vào nước này. Indonsia đang lên kế hoạch áp thuế nhập khẩu 200% đối với hàng dệt may của Trung Quốc để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.

Các nhà đầu tư nước ngoài ở Thái Lan cũng bị ảnh hưởng. Mới đây, Suzuki Motor (Thailand) Co Ltd, công ty con của hãng xe Suzuki (Nhật Bản) thông báo sẽ đóng cửa nhà máy lắp ráp ở Thái Lan vào cuối năm 2025 do doanh số bán hàng sụt giảm và sự cạnh tranh từ xe điện Trung Quốc.

 

Bắt đầu từ tháng này, Thái Lan sẽ thu thuế giá trị gia tăng 7% đối với hàng nhập khẩu giá rẻ có giá dưới 1.500 baht (41 đô la Mỹ), chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, những sản phẩm này vẫn được miễn thuế nhập khẩu. Ảnh: The Nation

Ngành sản xuất đang cần thay đổi

Trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu phục hồi, các sản phẩm sản xuất công nghiệp của Thái Lan dự kiến ​được hưởng lợi. Tuy nhiên, theo, một số sản phẩm, đặc biệt là ổ đĩa cứng và thép, chiếm khoảng 35% giá trị sản xuất của cả nước, đang đối mặt thách thức ngày càng tăng do khả năng cạnh tranh thấp.

Theo Wirote Rotewatanachai, giám đốc Viện Sắt thép Thái Lan (ISIT), trong 4 tháng đầu năm, công suất hiệu dụng của ngành thép Thái Lan chỉ đạt 29,3%, giảm so với 39,4% vào cùng kỳ năm ngoái.

KKP Research cho biết thêm, hầu hết nhà máy đóng cửa đều có quy mô lớn, còn các nhà máy mới mở cửa chủ yếu có quy mô nhỏ. Điều này cho thấy, các nhà máy của Thái Lan có vấn đề về cấu trúc.

Ngoài ra, nhiều nhà máy chịu áp lực vì nợ xấu. Theo KKP Research, số lượng nhà máy có nợ xấu đang tăng. Các nhà máy này rốt cục thường phải đóng cửa.

Tình trạng nhà máy ồ ạt đóng cửa đang gây áp lực lên nền kinh tế trị giá 500 tỉ đô la Mỹ của Thái Lan. Tình cảnh này khiến Thủ tướng Srettha Thavisin, người nắm quyền năm ngoái, khó thực hiện cam kết đưa tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của đất nước lên 5% trong nhiệm kỳ của ông. Tốc độ này cao hơn mức tăng GDP trung bình 1,73% mỗi năm trong thập niên qua .

“Ngành công nghiệp sản xuất đang gặp khó với mức công suất hiệu dụng tổng thể giảm xuống dưới 60%. Rõ ràng, ngành này cần phải thay đổi”, Thủ tướng Srettha Thavisin nói trước Quốc hội Thái Lan hồi tuần trước.

Supavud Saicheua, Chủ tịch Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan, cho biết, mô hình kinh tế dựa vào sản xuất kéo dài hàng thập niên của Thái Lan đã bị phá vỡ.

“Trung Quốc đang thúc đẩy xuất khẩu mọi thứ. Những hàng nhập khẩu giá rẻ đó thực sự gây khó khăn cho ngành công nghiệp sản xuất trong nước”, ông nói với Reuters.

Theo ông, Thái Lan phải thay đổi, tập trung vào sản xuất các sản phẩm mà Trung Quốc không xuất khẩu, đồng thời củng cố ngành nông nghiệp.

Bắt đầu từ tháng này, Thái Lan sẽ thu thuế giá trị gia tăng 7% đối với hàng nhập khẩu giá rẻ có giá dưới 1.500 baht (41 đô la Mỹ), chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, những sản phẩm này vẫn được miễn thuế nhập khẩu.

KKP Research cảnh báo,  căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, có thể làm suy giảm thêm khả năng cạnh tranh của Thái Lan, đặc biệt là trong phân khúc ô tô, do xe điện nhập khẩu của Trung Quốc gia tăng.

Nava Chantanasurakon, Phó Chủ tịch FTI, cho biết, FTI đã yêu cầu chính phủ xem xét các biện pháp ngăn chặn né thuế trong bối cảnh căng thương mại Mỹ-Trung dâng cao và hàng hóa của Trung Quốc đối mặt các các rào cản thương mại từ nhiều nước khác.

Theo SGT