Nhà máy thủy điện Sơn La là nhà máy thủy điện nằm trên sông Đà tại vùng đất xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, Việt Nam. Nhà máy có công suất lắp máy 2.400 MW, với 6 tổ máy, điện lượng trung bình năm là 10,246 tỷ kWh, khởi công xây dựng tháng 12/2005. Sau 7 năm xây dựng, Thủy điện Sơn La được khánh thành vào ngày 23/12/2012, trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á tại thời điểm đó.

Đến tháng 4/2023, Nhà máy Thủy điện Sơn La vừa cán mốc sản lượng 100 tỷ kWh phát lên lưới điện quốc gia, góp phần quan trọng trong cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Nhà máy thủy điện được thiết kế kiểu hở, bố trí sau thân đập. Để thi công nhà máy, hơn 20.000 hộ dân của ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu phải di dời.

Thủy điện Sơn La có khối lượng công việc thi công lớn nhất trong khu vực: Diện tích lưu vực: 43.760 km2; Dung tích hồ chứa: 9,26 tỷ m3; Mực nước dâng bình thường: 215m; Mực nước gia cường: 217,83 m; Mực nước chết: 175m.

Khối lượng đào đắp đất đá các loại: 14,673 triệu m3; Khối lượng bê tông các loại: 4,920 triệu m3, trong đó 2,238 triệu m3 bê tông CVC và 2,682 triệu m3 bê tông RCC; Khoan phun gia cố và khoan phun chống thấm: 109.400 md; Khối lượng thiết bị: 72.070 tấn các loại.

Kết cấu đập bê tông trọng lực của thủy điện Sơn La cao 138,1 m; chiều dài đỉnh đập 961,6 m, cao gần 90m, sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn hiện đại nhất thời bấy giờ. Đập thủy điện Sơn La đứng thứ 9 trong top những đập cao nhất thế giới, bên cạnh những công trình của Trung Quốc, Nga, Paraguay, Mỹ, Venezuela.


Thủy điện Sơn La là công trình có nhiều thiết bị quan trắc nhất, chia thành 7 mặt cắt, 1.028 cảm biến có nhiệm vụ khác nhau. Đặc biệt, 11 thiết bị đo địa chấn đặt tại các vị trí trọng yếu để thường xuyên kiểm tra thông tin an toàn đập.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 42.476,9 tỉ đồng (bao gồm vốn đầu tư ban đầu là 36.786,97 tỉ đồng và lãi vay trong thời gian xây dựng là 5.708 tỉ đồng)

Hiện nay, nhà máy Thủy điện Sơn La do Công ty thủy điện Sơn La quản lý và vận hành. Trong năm 2022, số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước của Công ty ước đạt 2.325 tỷ đồng, đưa tổng giá trị nộp ngân sách Nhà nước của Công ty từ khi thành lập đến nay đạt hơn 21.700 tỷ đồng. Trong đó, nhà máy thủy điện Sơn La nộp ngân sách Nhà nước hơn 16.600 tỷ đồng.

Tham gia xây dựng Thủy điện Sơn La gồm 13 nhà thầu thành viên do Tổng công ty Sông Đà làm tổng thầu gồm Tổng công ty xây dựng phát triển hạ tầng (Licogi), Tổng công ty xây dựng công nghiệp (Vinaincon, VVN), Tổng công ty xuất nhập khẩu xây dựng (Vinaconex, VCG), Tổng công ty lắp máy (Lilama, LLM), Tổng công ty cơ khí xây dựng (Coma, TCK), Tổng công ty xây dựng Hà Nội (HAN), Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty máy - thiết bị công nghiệp (MIE), Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1), Tổng công ty xây dựng đường thuỷ, Công ty xây lắp điện 3 và Công ty Lũng Lô (TT Theo VnExpress) ; Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Đặc biệt, kỹ sư và công nhân Việt Nam thiết kế và thi công, các chuyên gia nước ngoài chỉ đóng vai trò giám sát. Trên công trường thường xuyên có 8.000 - 10.000 người làm việc, những lúc cao điểm có thể lên tới 15.000 người.



Thủy điện Sơn La giữa mây núi trập trùng


Nước sông Đà chia hai màu riêng biệt

Tuy là một công trình mang tầm cỡ khu vực, to lớn và đồ sộ đến thế nhưng Thủy điện Sơn La không làm ảnh hưởng đến không gian thiên nhiên tuyệt đẹp xung quanh. Những dãy núi, triền đồi xanh mướt bên cạnh dòng nước trong xanh và công trình thủy điện đáng tự hào đã trở thành địa điểm picnic cuối tuần, ngày lễ Tết cho nhiều du khách thích khám phá du lịch tây Bắc hay là những khung cảnh tuyệt vời cho việc lưu giữ kỷ niệm đẹp.