Ngày 25-6, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2025. Báo cáo mang chủ đề: “Định vị vai trò của chính sách công nghiệp thúc đẩy khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng hai con số”.
Chính sách công nghiệp cần hướng
đến phát triển bền vững
Theo PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại
học Kinh tế, chính sách công nghiệp hiện đại cần mang tính kiến tạo, thúc đẩy đổi
mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai
trò then chốt, đóng góp hơn 24% GDP và trên 80% kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, cần
tăng cường liên kết công - tư, khuyến khích đầu tư vào các phân khúc có giá trị
gia tăng cao và thúc đẩy nội địa hóa.
Báo cáo cho thấy, Việt Nam đang đứng trước khát vọng lớn về tăng trưởng kinh tế hai con số, một mục tiêu mang tính bước ngoặt nhằm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Trong bối cảnh đó, việc định vị vai trò của chính sách công nghiệp nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân được đánh giá là yếu tố then chốt.
Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940.000 doanh
nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP,
hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động
trong nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định
thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới.
Bài học từ Đông Á trong việc phát
triển lợi thế so sánh
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, giảng viên khoa Kinh tế Chính trị
thuộc Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và đồng thời là tác giả báo cáo
nghiên cứu nói đến bài học từ các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc
trong việc đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao.
Theo đó, những quốc gia này đạt được mức tăng trưởng kinh
tế cao nhờ hình thành năng lực cạnh tranh quốc gia, gia tăng đầu tư, đặc biệt đầu
tư tư nhân, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế so sánh và nâng cao năng
suất các yếu tố tổng hợp (TFP).
Trong mô hình tăng trưởng đầu tư từ phía cầu, Nhật Bản,
Hàn Quốc và Trung Quốc đều nâng tỉ trọng đầu tư lên gần 40 – 50% GDP, trong khi
Việt Nam hiện chỉ ở mức 28,5% (tính ở thời điểm năm 2023). Dù xuất khẩu tăng mạnh,
nhưng phần lớn đến từ khu vực FDI, giá trị gia tăng nội địa thấp.
Bà Thúy chỉ ra các nước Đông Á với xuất phát điểm là thiếu
vốn, thị trường trong nước có sức tiêu thụ yếu dẫn đến phụ thuộc vào vốn nước
ngoài và thị trường nước ngoài để thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế trong
giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, sau đó, Nhà nước và các thể chế hiệu quả đã
giúp các quốc gia từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua xác định các
sản phẩm có lợi thế so sánh và triển khai các chính sách công nghiệp hiệu quả,
tập trung sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm này, từ đó từng bước nâng cao năng lực
cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Giảng viên khoa Kinh tế Chính trị thuộc Đại học Kinh tế -
Đại học Quốc gia Hà Nội từ đó khuyến nghị Việt Nam cần gấp rút xây dựng chính
sách công nghiệp góp phần thay đổi mô hình tăng trưởng, mấu chốt là cần xác định
được sản phẩm có lợi thế so sánh trong các ngành chế biến chế tạo, hình thành
thể chế hiệu quả, nâng cao năng lực khu vực tư nhân và tạo sự đồng lòng trong
toàn nền kinh tế.
Trong thập kỷ gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu
tích cực trong việc nâng cao vị trí trên bảng xếp hạng cạnh tranh công nghiệp
(CIP), vượt qua cả Philippines và Indonesia, vươn lên vị trí thứ tư trong khu vực
ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Thành tựu đó phần lớn nhờ vào động lực từ xuất khẩu hàng
công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, điện máy, da
giày. Tuy nhiên thành tích này vẫn còn nhiều hạn chế.
Năng suất lao động trong nước tăng chậm hơn chi phí lao động,
phần lớn phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài như vốn FDI, nhập khẩu nguyên phụ liệu,
công nghệ. Nguồn năng lượng của đất nước vẫn phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Trong thời gian qua, những nước như Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc,
Nhật Bản, Trung Quốc... đã áp dụng mạnh tay chính sách công nghiệp. Nhóm các nước
phát triển đang tái sử dụng chính sách công nghiệp như công cụ chủ động nhằm
xây dựng năng lực sản xuất, công nghệ và đảm bảo phát triển bền vững và an ninh
kinh tế.
Các nghiên cứu viên khuyến nghị trong thời gian tới chính
sách cần hướng vào tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp
trong nước, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), thông qua việc đảm
bảo nguồn lực về đất đai, vốn, lao động và công nghệ. Ngoài ra, cần có cách tiếp
cận chính sách dựa trên lợi thế so sánh, phát huy hiệu quả hiệu ứng lan toả của
chuỗi giá trị trong nước, thúc đẩy sự hình thành của cụm liên kết ngành, kết nối
địa phương, vùng miền.
Doanh nghiệp Việt Nam cần giảm phụ
thuộc quá mức vào từng thị trường xuất khẩu riêng lẻ
Ngày 25-6, ngân hàng UOB Việt Nam đưa ra nhận định về
kinh tế Việt Nam.
Theo UOB, dù môi trường kinh doanh còn nhiều biến động,
60% doanh nghiệp Việt Nam vẫn lạc quan về triển vọng trong năm tới, trong đó
46% cho biết sẽ đẩy nhanh kế hoạch mở các doanh nghiệp cũng đang tập trung đầu
tư vào hai trụ cột chiến lược: Số hóa và phát triển bền vững – với lần lượt 61%
và 56% doanh nghiệp Việt Nam cho biết sẽ đẩy mạnh các nỗ lực trong hai lĩnh vực
này.
Nếu như số hóa được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả vận hành
và cải thiện trải nghiệm khách hàng, thì việc thực hành phát triển bền vững sẽ
giúp doanh nghiệp thu hút nhà đầu tư và củng cố uy tín thương hiệu – những yếu
tố ngày càng quan trọng trong bối cảnh bất định do tác động của thuế quan.
Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp,
Ngân hàng UOB Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế
của Việt Nam, bất chấp những bất ổn gần đây liên quan đến thuế quan. Với các yếu
tố nền tảng vững chắc, những cải cách chính sách tích cực gần đây cùng sự chủ động
của cộng đồng doanh nghiệp là những tín hiệu rất đáng khích lệ. Đây cũng là thời
điểm thích hợp để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh chiến lược theo hướng giảm
phụ thuộc quá mức vào từng thị trường xuất khẩu riêng lẻ, đồng thời khai thác sức
mạnh ngày càng tăng của thương mại nội khối ASEAN’’.
Theo PLO