Theo Bộ Công Thương, biện pháp tự vệ này áp dụng dưới dạng hạn ngạch nhập khẩu khắt khe. Cụ thể, trong năm đầu tiên, mức nhập khẩu bị giới hạn ở 0. Từ năm thứ hai trở đi, hạn ngạch sẽ tăng thêm một triệu pound mỗi năm trong ba năm tiếp theo. Mỹ cũng sẽ tiến hành rà soát giữa kỳ trước khi kết thúc năm thứ hai để đánh giá và điều chỉnh biện pháp nếu cần thiết.
Trước đó, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ
(USITC) khởi xướng điều tra vụ việc từ ngày 28/2, sau đơn kiện từ ba nhà sản xuất
lớn của Mỹ, gồm Fiber Industries LLC, Nan Ya Plastics Corp, America, và Sun
Fiber LLC.
Nguyên đơn cáo buộc, nhập khẩu xơ sợi
staple nhân tạo từ polyester đã tăng mạnh, vượt xa nhu cầu nội địa và gây thiệt
hại nghiêm trọng đến ngành sản xuất trong nước. Điều tra của USITC cho thấy nhập
khẩu sản phẩm này từ các quốc gia, trong đó có Việt Nam, tăng đáng kể trong
giai đoạn 2021-2023.
Trong ba năm qua, kim ngạch xuất khẩu xơ sợi staple nhân tạo từ polyester của Việt
Nam sang Mỹ đạt khoảng 5,9 triệu USD, riêng năm 2023 là 5,2 triệu USD, chiếm 3%
thị phần nhập khẩu và xếp thứ 8 trong số các nước xuất khẩu vào thị trường này.
Do tỷ trọng trên, Việt Nam không thuộc
danh sách các quốc gia được miễn trừ biện pháp tự vệ. Điều này đồng nghĩa với
việc hàng hóa của Việt Nam cũng bị áp dụng hạn ngạch nhập khẩu, gây khó khăn
cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Trước đây, năm 2017, Mỹ đã điều tra chống
bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm này từ nhiều quốc gia, bao gồm Việt
Nam. Tuy nhiên, Việt Nam được loại trừ khỏi phạm vi áp thuế sau khi nguyên đơn
rút yêu cầu. Đến nay, các quốc gia như Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc và Đài Loan
vẫn đang bị áp thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp với mặt hàng này.
VNB