Theo đó,
Nghị định 22/2023/NĐ-CP sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định số 60/2016/NĐ-CP ngày
01/7/2016 của Chính phủ quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh
vực tài nguyên và môi trường (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 7 Nghị định
số 136/2018/NĐ-CP ngày 05/10/2018 của Chính phủ sửa đổi một số điều của các Nghị
định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi
trường).
Trong đó,
sửa điều kiện với đội ngũ cán bộ chuyên môn của tổ chức lập đề án, báo cáo
trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước.
Cụ thể, về kinh nghiệm công tác, người phụ trách
kỹ thuật của đề án, báo cáo có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài
nguyên nước, môi trường hoặc đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 03 đề án, báo
cáo.
Nghị định
22/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP
ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Khoản 1 Điều
16, Nghị định số 22/2012/NĐ-CP quy định: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia đấu
giá quyền khai thác khoáng sản phải lập hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá quyền
khai thác khoáng sản và nộp cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ đấu giá.
Còn tại
Nghị định 22/2023/NĐ-CP quy định trên được sửa đổi, bổ sung như sau: Tổ chức,
cá nhân có nhu cầu tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải lập hồ sơ đề
nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản và nộp trực tiếp hoặc qua đường
bưu điện hoặc thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho cơ quan tiếp nhận
hồ sơ đấu giá.
Sửa quy định
khảo sát thực địa, lấy mẫu trên mặt đất để lựa chọn diện tích lập đề án thăm dò
khoáng sản
Nghị định 22/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.
Cụ thể, sửa
đổi Điều 32 khảo sát thực địa, lấy mẫu trên mặt đất để lựa chọn diện tích lập đề
án thăm dò khoáng sản.
Theo đó, tổ
chức, cá nhân có nhu cầu khảo sát thực địa, lấy mẫu trên mặt đất để lựa chọn diện
tích lập đề án thăm dò khoáng sản phải có văn bản và kế hoạch khảo sát, lấy mẫu
gửi UBND cấp tỉnh nơi dự kiến thăm dò khoáng sản bằng cách trực tiếp hoặc qua
đường bưu điện hoặc thông qua dịch vụ công trực tuyến đến Trung tâm Phục vụ
hành chính công (hoặc Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở Tài nguyên và Môi
trường).
Mẫu trên mặt
đất bao gồm mẫu trọng sa, kim lượng, mẫu thạch học, khoáng tướng, mẫu rãnh lấy
tại các vết lộ, gồm cả mẫu rãnh tại các vết lộ, các công trình khảo sát, thăm
dò khoáng sản đã thực hiện trước đó (nếu có), số lượng của mỗi loại mẫu không
quá 50 mẫu; trọng lượng 01 mẫu rãnh không quá 15 kg (riêng đối với mẫu đá ốp
lát có thể tích không quá 0,4 m3). Thời gian lấy mẫu trên mặt đất không quá 01
tháng.
Trong thời
gian không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của tổ chức,
cá nhân, UBND cấp tỉnh phải có văn bản thông báo việc chấp thuận hoặc không chấp
thuận bằng các hình thức trả kết quả trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc
thông qua dịch vụ công trực tuyến. Trường hợp không chấp thuận phải có văn bản
trả lời và nêu rõ lý do.
Theo BCP