Công ty thực phẩm và đồ uống Nongshim trích dẫn tài liệu thị trường mỳ ăn liền thế giới năm 2021 do Hiệp hội mỳ ăn liền thế giới (WINA) công bố, lượng tiêu thụ mỳ ăn liền bình quân đầu người trong năm 2021 của Việt Nam là 87 gói, đứng top 1 thế giới. Hàn Quốc đứng thứ hai với 73 gói, Nepal đứng thứ ba 55 gói.

Hàn Quốc từng đứng đầu thế giới về lượng tiêu thụ mỳ ăn liền bình quân đầu người trong 8 năm liền từ 2013 đến 2020, nhưng từ năm ngoái đã tụt xuống vị trí thứ hai. Lượng tiêu thụ mỳ gói tại Việt Nam từng đạt 55 gói năm 2019, 72 gói năm 2020, năm ngoái tăng tiếp lên 87 gói.

Quy mô thị trường mỳ tôm của Việt Nam là 5 tỷ gói năm 2019, 7 tỷ gói năm 2020, năm ngoái là 8,6 tỷ gói. Năm ngoái, quy mô thị trường mỳ gói Việt Nam đứng thứ ba thế giới sau Trung Quốc 44 tỷ gói, Indonesia 13,3 tỷ gói.

Theo phân tích và đánh giá của Nongshim, Việt Nam đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao, nên sức mua của người dân cũng gia tăng. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người dân có xu hướng ăn qua bữa bằng mỳ tôm thay vì ăn ngoài, nên lượng tiêu thụ mỳ tôm gia tăng.

Mặt khác, theo Hiệp hội mỳ ăn liền thế giới, chủng loại mỳ ăn liền được ưa chuộng ở mỗi nước có sự khác biệt tùy theo khu vực, văn hóa.

Phần lớn các quốc gia ưa chuộng mỳ ăn liền gói giấy, nhưng các nước như Nhật Bản, Mexico lại bán chạy mỳ cốc hơn. Ví dụ lượng tiêu thụ mỳ cốc tại Mexico chiếm 89% tổng lượng mỳ gói được bán ra. Ngoài ra, tại các nước như Philippines và Ấn Độ có văn hóa ăn vặt phát triển lại chuộng mỳ gói cỡ nhỏ.

Theo KBS