Phó Thủ tướng
Trần Hồng Hà mới đây đã ký Quyết định số 258/QĐ-TTg phê duyệt về Lộ trình áp dụng
Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng.
Theo đó, Lộ
trình áp dụng mô hình BIM trong hoạt động xây dựng áp dụng đối với các dự án sử
dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối
tác công tư, dự án sử dụng vốn khác.
Việc áp dụng
BIM trong quá trình thiết kế nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thiết kế; tăng
cường quá trình trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng,
chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng; trong quá trình thi
công xây dựng nhằm hỗ trợ xây dựng phương án tổ chức thi công, tổ chức và quản
lý các nguồn lực trong quá trình xây dựng, kiểm soát chất lượng xây dựng; trong
quá trình nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng nhằm hỗ trợ quá trình
nghiệm thu, phục vụ cho giai đoạn quản lý, vận hành công trình xây dựng.
Đối với
các cơ quan quản lý nhà nước, việc sử dụng mô hình BIM như là công cụ để hỗ trợ
trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước (thẩm định báo cáo nghiên cứu
khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; cấp phép xây dựng; quản
lý xây dựng; kiểm tra công tác nghiệm thu...).
Yêu cầu áp
dụng BIM
Tùy theo
yêu cầu của thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, hồ
sơ hoàn thành công trình, khi áp dụng mô hình BIM, tệp tin BIM cần phải đáp ứng
một số yêu cầu tối thiểu sau: Thể hiện được kiến trúc công trình, các kích thước
chủ yếu; hình dạng không gian ba chiều các kết cấu chính của công trình; hệ thống
đường ống điều hòa, thông gió, cấp thoát nước công trình. Một số bản vẽ các bộ
phận chi tiết ở dạng không gian hai chiều nhằm bổ sung thông tin (nếu có) phải ở
định dạng số khi nộp kèm theo tệp tin BIM. Các bản vẽ, khối lượng chủ yếu của
các bộ phận công trình phải trích xuất được từ tệp tin BIM.
Quyết định
nêu rõ đối với các dự án đầu tư xây dựng thuộc đối tượng điều chỉnh theo quy định,
chủ đầu tư cần lưu ý các giải pháp để khuyến khích các nhà thầu đã có năng lực,
kinh nghiệm áp dụng BIM trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
Lộ trình
áp dụng Mô hình BIM
Giai đoạn
1: Từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt
của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu
tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công
việc chuẩn bị dự án.
Giai đoạn
2: Từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của
các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu
tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công
việc chuẩn bị dự án.
Quyết định
quy định đối với các dự án, công trình xây dựng bắt buộc áp dụng BIM, tệp tin
BIM là một thành phần trong hồ sơ thiết kế xây dựng, hồ sơ hoàn thành công
trình. Chủ đầu tư hoặc đơn vị chuẩn bị đầu tư có trách nhiệm cung cấp tệp tin
BIM cùng với loại hồ sơ khác theo quy định khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả
thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, xin cấp phép xây
dựng và nghiệm thu công trình.
Đối với
các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn khác, Chủ đầu tư
cung cấp tệp tin BIM khi thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết
kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, xin cấp phép xây dựng, nghiệm thu
công trình theo lộ trình sau: công trình cấp I, cấp đặc biệt từ năm 2024; từ
năm 2026, bổ sung thêm công trình cấp II.
Nội dung
áp dụng và mức độ chi tiết của mô hình BIM do chủ đầu tư dự án quyết định.
Từ năm
2023, đối với công trình áp dụng BIM, cơ quan quản lý nhà nước sử dụng mô hình
BIM để hỗ trợ trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định
thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng, kiểm tra
công tác nghiệm thu.
Chủ đầu tư
các dự án áp dụng BIM theo lộ trình quy định có trách nhiệm tổ chức cập nhật mô
hình BIM để phục vụ quá trình quản lý, vận hành và bảo trì công trình.
Quyết định
khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình thông tin công trình trong hoạt động
xây dựng sớm hơn thời gian quy định trong lộ trình.
BIM
là tiến trình tạo dựng và sử dụng mô hình kỹ thuật số cho cả vòng đời của công
trình, từ giai đoạn thiết kế, xây dựng, cho đến vận hành, bảo trì và tháo dỡ
công trình. Toàn bộ thông tin và dữ liệu liên quan đến công trình trong toàn bộ
vòng đời của nó được lưu trữ và khai thác thông qua một mô hình thông tin thống
nhất và được liên kết với nhau. Bất kỳ sự thay đổi của thành phần nào trong mô
hình cũng sẽ được tự động cập nhật cho toàn bộ hệ thống. Do đó, việc áp dụng
BIM sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự trao đổi, hợp tác giữa các bên tham gia,
tối ưu hóa việc thiết kế, thi công và quản lý công trình.
Theo Vũ Phương Nhi - BCP