Reuters trích dẫn thông báo chính thức của Eurostat, cho biết giá tiêu dùng tháng 7 ở 19 quốc gia sử dụng đồng Euro đã tăng 0,1% so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng tới 8,9%, mức cao nhất kể từ khi đồng Euro được tạo ra vào năm 1999, trong khi mục tiêu lạm phát của Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB chỉ ở quanh ngưỡng 2%.

Cụ thể, Eurostat cho biết có hơn một nửa, tức 4,02 điểm phần trăm là tới từ giá năng lượng tăng mạnh và 2,08 điểm phần trăm tới từ giá thực phẩm, rượu và thuốc lá nhảy vọt. Dù vậy, kể cả khi loại trừ các thành phần dễ biến động với thị trường nhất ra khỏi tỷ lệ lạm phát cốt lõi, đồng thời kết hợp theo dõi chặt chẽ các quyết định về tăng giảm lãi suất, giá cả vẫn cao hơn 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 7.

Thêm vào đó, giá dịch vụ – động lực tạo ra hơn 2/3 GDP của khu vực đồng Euro – tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi hàng công nghiệp đắt hơn 4,5% so với năm 2021, giúp tăng thêm 1,16 điểm phần trăm vào kết quả lạm phát cuối cùng.

Do các yếu tố này, ECB vào tháng 6 bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ sau nhiều năm nới lỏng. Trong tháng 7, Ngân hàng Trung ương của 19 quốc gia đã khiến các nhà đầu tư bất ngờ khi tăng lãi suất 50 điểm vào tháng trước vì lo ngại lạm phát, hiện đang tiến gần đến mức hai con số, có nguy cơ tăng cao hơn nữa.


Tuy nhiên theo thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu - Isabel Schnabel, triển vọng lạm phát của khu vực đồng Euro không được cải thiện kể từ khi cơ quan này tăng lãi suất vào tháng 7. Vì vậy, bản thân bà tuyên bố ủng hộ một đợt tăng lãi suất lớn nữa vào thời gian tới ngay cả khi nguy cơ suy thoái gia tăng.

Việc tăng lãi suất vào tháng 9 trên thực tế được xem gần như một thỏa thuận chắc chắn sẽ xảy ra nhưng ở mức độ 25 hay 50 điểm cơ bản. Các thị trường tăng đặt cược vào tăng lãi suất trong những tuần gần đây khi áp lực lạm phát gia tăng, và hiện được ước tính ở mức tăng 55 điểm cơ bản trong tháng 9 và tổng cộng tăng 118 điểm cơ bản cho tới cuối năm.

Dù vậy, vấn đề ở đây là mức lạm phát 8,9% cao hơn bốn lần so với mục tiêu 2% của ECB và vẫn có thể tăng cao hơn ngay cả khi chi phí năng lượng tăng cao làm suy giảm sức mua và tăng trưởng chậm lại.

Thêm vào đó, việc ECB tăng lãi suất còn đi kèm với nguy cơ gây ra một cuộc suy thoái bởi giá dầu tăng cao tạo ảnh hưởng lớn đến khối Liên minh EU. Bất kỳ chính sách thắt chặt trong khi bước vào thời kỳ suy thoái nào cũng có nguy cơ làm trầm trọng thêm.

Dù vậy, bà Schnabel vẫn tỏ ra lạc quan khi cho rằng kỳ vọng lạm phát có thể đang theo chiều hướng đi xuống. Bà cho biết, có dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại dù không loại trừ khả năng châu Âu đang bước vào một cuộc suy thoái, đặc biệt là nếu nguồn cung năng lượng từ Nga tiếp tục gián đoạn thêm.

Bà bổ sung rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế cũng gia tăng do các cú sốc từ phía nguồn cung, gây ra bởi hạn hán hoặc mực nước thấp ở các con sông lớn. Song, dù suy thoái kinh tế sẽ làm giảm áp lực giá cả, nhưng chỉ riêng điều đó sẽ không đủ để đưa lạm phát trở lại mục tiêu.

MKA