Nhìn chung, giá tiêu dùng đã tăng vọt vào
tháng 10 năm 2021 và hiện tăng 6,2% so với một năm trước đó - cao hơn ước tính
của hầu hết các nhà kinh tế và là mức tăng nhanh nhất trong hơn ba thập kỷ.
Tại thời điểm này, điều đó có thể không có
gì ngạc nhiên đối với hầu hết người Mỹ, những người đang thấy giá cao hơn khi
mua giày thể thao và túi Chanel, ăn tối tại nhà hàng và sử dụng nhiên liệu cho
phương tiện ô tô của họ.
Khi giá tiếp tục tăng, một trong những cuộc tranh luận lớn đang diễn ra giữa các nhà kinh tế, các quan chức chính phủ như Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen và các nhà quan sát khác, là liệu những chi phí tăng vọt này là tạm thời hay lâu dài?
Cục Dự trữ Liên bang, cơ quan chịu trách
nhiệm chống lạm phát nhấn mạnh trong buổi phát biển vào ngày 3 tháng 11 năm
2021, rằng điều này sẽ chỉ là tạm thời, một phần lớn là bởi sự ràng buộc liên
quan đến chuỗi cung ứng, các công ty và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều
đồng ý - bao gồm cả một số người trong Cục Dự trữ Liên bang, và ngày càng có
nhiều nhà kinh tế, chiến lược gia cũng như giám đốc điều hành báo động rằng, lạm
phát cao có thể kéo dài vào năm 2022 và hơn thế nữa.
Thực tế là giá cả đang tăng phần lớn là do
sự thiếu hụt trầm trọng của cả hàng hóa và lao động trong chuỗi cung ứng. Thế
nhưng, điều đó không có nghĩa sẽ chỉ là tạm thời, và đúng hơn lạm phát sẽ tiếp
tục tồn tại.
Nhu cầu tăng
Lạm phát bắt đầu tăng vọt vào đầu năm 2021
và dao động ở mức trên 5% hoặc hơn, so với cùng kỳ năm trước, kể từ tháng Năm.
Con số này cao hơn gấp đôi so với tốc độ 2% mà Fed đã đặt làm mục tiêu. Các lý
do khiến giá cả tăng rất phức tạp. Nhưng một trong những điều quan trọng nhất
liên quan đến bài toán cung và cầu.
Đầu tiên là nhu cầu. Mặc dù ngay từ đầu đại dịch, nhu cầu của người tiêu dùng đã giảm xuống; song, đối với hàng hóa, chủ yếu được đặt hàng trực tuyến tăng lên. Hoạt động thương mại điện tử đơn giản đã mọc lên như nấm đến mức chưa từng có trước đại dịch. Nhu cầu về sản phẩm đã vượt xa khả năng sản xuất hoặc giao hàng của thị trường một cách đáng kể. Một số người thậm chí không đi đến siêu thị, cửa hàng hoặc nhà hàng nữa; vì họ có thể thực hiện tất cả việc đặt hàng trực tuyến.
Nhiều nhà bán lẻ, chẳng hạn như Macy’s,
Target và những người khác,.. phải điều hướng nền kinh tế này với hàng tồn kho
khan hiếm và chi phí vận chuyển cao hơn để tồn tại trong thời kỳ đại dịch. Đồng
thời, những xu hướng này đã tạo ra nhiều nhu cầu hơn các hãng vận chuyển có thể
đáp ứng - do đó, kéo dài khả năng cung cấp sản phẩm của họ.
Ví dụ, mùa mua sắm ngày lễ được dự đoán sẽ
có 4,7 triệu gói hàng mỗi ngày vượt quá những gì hệ thống có thể hấp thụ hoặc
phân phối. Việc lưu trữ những gói hàng này dù chỉ trong một thời gian ngắn cũng
tốn kém. Vì có rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tài xế, container và lao
động trong các ngành công nghiệp, các nhà bán lẻ lớn như Amazon đang đưa ra các
lợi ích khác để thu hút và giữ chân nhân viên như một phương tiện bổ sung năng
lực. Tất cả những chi phí cộng thêm này - để thuê, lưu trữ và giao hàng - thường
được chuyển cho người tiêu dùng.
Nguồn cung giảm
Đồng thời, chuỗi cung ứng vẫn là một mớ hỗn
độn - và đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Các nút thắt cổ chai đã chồng chất ở
khắp châu Á, đặt ra sức ép lớn đối với năng lực của các chuỗi cung ứng để cung
cấp kịp thời. Và sự thiếu hụt nghiêm trọng trên toàn cầu về người giao hàng và
những người lao động khác đang gây khó khăn cho việc mở rộng năng lực hoặc khắc
phục các vấn đề khác gây khó khăn cho chuỗi cung ứng. Điều này tạo ra sự thiếu
hụt sản phẩm vượt qua hạn chế cạnh tranh, gây tăng giá.
Có hàng chục tàu container khổng lồ liên tục
chạy không tải gần các cảng trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Los Angeles và New
York, nơi đang chất đống hàng hóa lớn chờ dỡ hàng. Có hơn 500.000 container vận
chuyển với khoảng 12 triệu tấn hàng hóa chỉ tính riêng gần Nam California.
Các cảng đã cố gắng kéo dài giờ hoạt động - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xem đây là vấn đề then chốt và có kế hoạch chi hàng tỷ đô la để khắc phục sự cố - nhưng không có đủ công nhân và tài xế để dỡ hàng. Những sự chậm trễ này gây tốn kém tiền bạc; vì các doanh nghiệp chọn vận chuyển thêm hàng tồn kho để chuyển cho khách hàng.
Nike, công ty phụ thuộc phần lớn vào Việt
Nam trong việc sản xuất giày, là một dẫn chứng đáng chú ý. Công ty đồ thể thao
khổng lồ có trụ sở tại Beaverton, Oregon đã mất 10 tuần sản xuất vì các đợt ngừng
hoạt động tại Việt Nam. Và trung bình phải mất 80 ngày để giày từ châu Á đến
các nhà bán lẻ ở Bắc Mỹ - chậm gấp đôi so với trước đại dịch.
Kết quả là, giá giày tăng vọt vào tháng 9.
Cụ thể, giá giày đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Cục Thống
kê Lao động Hoa Kỳ.
Hoặc xem xét Malouf, một nhà bán lẻ đồ nội
thất có trụ sở tại Utah, báo cáo rằng họ chỉ có 55% hàng tồn kho thông thường
trong tay vì sự chậm trễ trong vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, ô tô đang kẹt cứng
trong các gara vì thiếu phụ tùng thay thế và giá xăng tăng chóng mặt. Trong khi
đó, giá đồ nội thất phòng khách, nhà bếp và phòng ăn tăng 13,1% so với một năm
trước, và trang phục của phụ nữ đắt hơn 9,2% so với thời điểm này năm ngoái.
Tựu trung, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã
đẩy thời gian sản xuất từ chỉ sáu tuần lên con số khổng lồ sáu tháng. Không có
ngành nào không bị ảnh hưởng.
Không có cách khắc phục dễ dàng
Nói cách khác, không có sự kết thúc ngay lập
tức cho các vấn đề của chuỗi cung ứng. Nhu cầu của người tiêu dùng sẽ tăng lên
trong suốt kỳ nghỉ lễ và sau đó, và đó là lý do tại sao lạm phát sẽ không sớm
biến mất.
Các giám đốc điều hành công ty cảnh báo, rằng
tất cả những thách thức này sẽ tiếp diễn sớm nhất vào năm 2022. Thâm chí, một số
người nói, rằng vấn đề sẽ kéo dài đến năm 2023.
Các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát
vào tháng 10 dự đoán lạm phát sẽ giảm xuống 3,4% vào mùa hè tới và đạt 2,6% vào
cuối năm nay. Mặc dù điều đó sẽ đáng khích lệ, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức
trung bình trước đại dịch là 1,8% và nằm ngoài mục tiêu của Fed.
Liệu các nhà kinh tế có đang điều chỉnh lại
kỳ vọng của họ sau báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10? Nhưng, dù thế nào,
người tiêu dùng nên quen với mức giá cao hơn, và hãy xem đây là sự “bình thường
mới”.
Lược dịch: Phong
Tư liệu: TFL