Tin tức trên tờ Nikkei cho hay, mới đây chủ tịch của Kyocera - Hideo Tanimoto đã tiết lộ kế hoạch mở rộng đầu tư vào sản xuất liên quan đến chất bán dẫn của Tập đoàn này.

Theo đó, Kyocera sẽ tăng tổng số vốn đầu tư cho nghiên cứu và phát triển vào lĩnh vực này với 1 số công ty thuộc tập đoàn lên 1,3 nghìn tỷ yên (khoảng gần 9,8 tỷ USD) trong 3 năm tới đến năm 2026.

Tập đoàn Nhật Bản sẽ huy động một phần vốn bằng cách cầm cố cổ phiếu KDDI để làm tài sản thế chấp khi lần đầu tiên đi vay tới 1 nghìn tỷ yên.

Sau nhiều năm duy trì chiến lược tài chính không vay nợ, Kyocera sẽ đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực bao gồm linh kiện gốm với kỳ vọng thị trường chip sẽ mở rộng trong trung hạn.

Tại quận Kagoshima ở miền nam Nhật Bản, Kyocera đang đầu tư khoảng 60 tỷ yên để xây dựng một cơ sở đóng gói chíp bán dẫn mới.

Tại Nagasaki, công ty cũng đang xây dựng nhà máy nội địa mới đầu tiên sau khoảng 20 năm, kể từ khi bắt đầu hoạt động tại nhà máy Ayabe ở Kyoto. Theo chia sẻ của chủ tịch Tanimoto cho biết, công ty có kế hoạch “đầu tư tới 100 tỷ yên để sản xuất linh kiện gốm và bao bì bán dẫn”, nhà máy mới sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2026. Khu vực này nằm gần các nhà máy sản xuất chip bán dẫn của Tập đoàn Sony.


Nhà máy của Kyocera tại Hải Phòng Việt Nam

Trong khi đó, các nhà máy của Kyocera tại Việt Nam (các nhà máy tại Hưng Yên và Hải Phòng) vẫn đang mở rộng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho thị trường Việt Nam và góp phần gia tăng xuất khẩu về lĩnh vực điện tử tại quốc gia này.

Hiện tại, chính phủ Nhật bản cũng đang áp dụng nhiều biện pháp và chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, nhất là những ngành/sản phẩm hàng hóa được coi là trọng yếu đối với an ninh kinh tế như: chất bán dẫn, pin tích điện, khoáng sản quan trọng, robot và máy móc trong sản xuất, hay khí thiên nhiên hóa lỏng…

Tk Nikkei

* Kyocera : được sáng lập bởi Doanh nhân Kazuo Inamori từ năm 1959, với khởi đầu là Công ty trách nhiệm hữu hạn gốm Kyoto. Kyocera chủ yếu sản xuất các sản phẩm gốm kỹ thuật, thiết bị in và thiết bị ngành ảnh. Năm 1983 công ty mua lại nhà sản xuất máy ảnh danh tiếng là Công ty Yashica cùng hợp đồng độc quyền của Yashica với hãng thiết bị quang học Carl Zeiss lừng danh của Đức, rồi bắt đầu sản xuất ra nhiều dòng máy ảnh chụp phim, máy ảnh kỹ thuật số chất lượng tốt mang các nhãn hiệu Contax và chính nhãn Yashica. Tháng 1 năm 2000, hãng mua lại Công ty công nghiệp Mita, một nhà sản xuất máy photocopy thành lập ra công ty con là Kyocera Mita có trụ sở tại Osaka. Một tháng sau đó hãng tiếp tục mua lại nhánh sản xuất điện thoại di động từ hãng Qualcomm của Mỹ và đổi tên thành Công ty thiết bị không dây Kyocera.

Kyocera đầu tư vào Việt Nam từ khá sớm, ngay từ năm 2012 với 1 loạt các công ty con được thành lập và xây dựng tại Khu công nghiệp Thăng Long II-tỉnh Hưng Yên, và tiếp đến là nhà máy ở KCN Vsip Hải Phòng