Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% trong năm 2024 - năm Con Rồng. So với dự báo tăng trưởng của các tổ chức kinh tế uy tín trên thế giới như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì mục tiêu đang trong tầm tay của chúng ta.
Dự báo GDP Việt Nam và các nền kinh tế mạnh ở Đông Nam Á năm 2024 - Nguồn:
IMF, WB, Worldbox Intelligence
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang bị thử thách bởi các yếu tố bên trong và bên ngoài. Để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ cần hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, từ đó tạo việc làm và kích thích các hoạt động kinh tế.
Đồng thời,
ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, Chính phủ không nên bỏ qua các cải cách
mang tính cơ cấu - bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng - vì chúng
là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn và bền vững.
Một vấn đề
cốt tử cho nền kinh tế Việt Nam mà Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh là đầu tư cho
nguồn nhân lực chất lượng cao. Hệ thống đại học và trường dạy nghề phải được cải
cách hơn nữa để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao của nền kinh tế.
Thực tế,
những khuyến nghị trên đây của WB về cơ bản khá tương đồng với những trọng tâm,
ưu tiên chỉ đạo, điều hành của Chính phủ vừa qua. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã
yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện các mục tiêu,
nhiệm vụ cụ thể năm 2024 với chủ đề: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp
thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững" với tinh thần "Năm quyết
tâm": (1) Quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vượt qua mọi thách thức trong các
lĩnh vực; (2) Quyết tâm thực hiện không nói không, không nói khó, không nói có
mà không làm; (3) Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung;
nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật; (4)
Quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm người dân,
doanh nghiệp được hưởng các chế độ, chính sách và thành quả mang lại; (5) Quyết
tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024.
Đầu tư
công là yếu tố quyết định
Theo dự
báo của hầu hết các tổ chức nghiên cứu kinh tế toàn cầu, kinh tế thế giới năm
2024 vẫn còn chịu nhiều thách thức và bất ổn. Ngoài căng thẳng địa chính trị,
biến đổi khí hậu và thiên tai khiến bức tranh kinh tế thế giới dù có nhiều gam
màu sáng hơn, nhưng vẫn chưa phục hồi như trước đại dịch COVID-19.
Trong tình
hình đó, Việt Nam trong năm mới vẫn phải lấy đầu tư công làm động lực tăng trưởng.
Trong năm 2024, Việt Nam vẫn lấy đầu tư công làm động lực tăng trưởng
Báo cáo
Triển vọng phát triển châu Á (ADO) của Ngân hàng Phát triển châu Á lưu ý rằng
các nguyên nhân chính tác động đến nền kinh tế là suy thoái kinh tế toàn cầu,
thắt chặt tiền tệ ở một số nước phát triển và sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng
do căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Đối với triển vọng kinh tế Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết: "Môi trường bên ngoài yếu kém, bao gồm cả sự phục hồi chậm chạp ở Trung Quốc đã cản trở hoạt động sản xuất định hướng xuất khẩu, do đó làm thu hẹp sản xuất công nghiệp ở Việt Nam".
Tuy nhiên,
theo ông, nền kinh tế Việt Nam vẫn kiên cường và sự phục hồi dự kiến sẽ khởi sắc
trong thời gian tới nhờ tiêu dùng nội địa mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi lạm phát vừa
phải, đầu tư công tăng tốc và hoạt động thương mại được cải thiện.
Du lịch khởi
sắc
Nếu cánh cửa
"sản xuất công nghiệp" của Việt Nam đang suy giảm do nhu cầu toàn cầu
giảm, các cánh cửa khác sẽ vẫn mở. Ví dụ, khu vực du lịch, dịch vụ dự kiến sẽ
tiếp tục mở rộng, được hỗ trợ bởi sự phục hồi của du lịch và sự phục hồi của
các dịch vụ liên quan.
Báo New
York Times đã mượn hình ảnh hệ thống cáp treo để nói về nền kinh tế du lịch.
Theo chuyên gia Steven Dale, Việt Nam thích hợp xây dựng cáp treo do có nhiều
núi, rừng và hải đảo. Đây được coi là "con đường" có thời gian thi
công nhanh hơn, giá thành rẻ hơn và ít gây thiệt hại về môi trường hơn so với
đường bộ. Theo số liệu từ các nhà sản xuất cáp treo, trong hơn hai thập kỷ qua,
khoảng 26 tuyến cáp treo đã được xây dựng ở hàng chục địa điểm trên khắp cả nước,
cho thấy sự phát triển nhanh chóng cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu du lịch.
"Việt
Nam là nơi có 4 tuyến cáp treo dài nhất thế giới, đều được xây dựng trong thập
kỷ qua, cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế và ngành du lịch Việt
Nam", nhật báo New York Times nhấn mạnh.
Trong tình
hình khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực dịch vụ, du lịch đóng góp quan trọng
vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Khối ngành dịch vụ đang từng bước phục hồi
với điểm sáng là hoạt động du lịch. Du lịch phát triển cao điểm kể từ
cuối tháng 4/2023 đã kích thích cầu tiêu dùng gia tăng; từ đó lan tỏa mạnh
tới sản xuất của nhóm ngành dịch vụ khác như vận tải, lưu trú, ăn uống, lữ
hành, hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí… là yếu tố tích cực trong tăng
trưởng kinh tế…
Trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực dịch vụ, du lịch
được coi là một điểm sáng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước
Vẫn còn sớm
để cho rằng năm 2024 kinh tế Việt Nam vẫn nằm trong số những nền kinh tế có tốc
độ tăng trưởng cao nhất thế giới, nhưng có cơ sở tin rằng kinh tế Việt Nam vẫn
nằm trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực.
Cánh cửa
FDI mở rộng
Ngày 26/1
vừa qua, trong cuộc họp báo tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phụ
trách tăng trưởng kinh tế, môi trường và năng lượng Jose Fernandez cho biết khoảng
15 công ty Hoa Kỳ dự định đầu tư vào Việt Nam với tổng số tiền hơn 8 tỷ USD.
Mặc dù Thứ
trưởng Fernadez không nói rõ tên các công ty nhưng các nguồn tin khác như
Reuters, Bloombers, Asia Financial, Evertiq… đều nhắc tên cụ thể một số công ty
lớn về công nghệ …
Chuyến đi
của ông Fernandez tới Việt Nam là một phần trong kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm thực
hiện các thỏa thuận đạt được vào tháng 9/2023, khi hai nước chính thức nâng cấp
quan hệ lên "đối tác chiến lược toàn diện", cấp cao nhất trong xếp hạng
ngoại giao của Việt Nam.
Lũy kế đến
ngày 20/1, cả nước có 39.377 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn
đăng ký gần 471,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài
ước đạt gần 298,66 tỷ USD, bằng gần 63,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Việt Nam
đang bước lên nấc thang công nghệ cao khi các dự án đầu tư nước ngoài được khuyến
khích vào lãnh vực sản xuất chip và công nghệ cao. Xuất khẩu công nghệ cao đang
thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Năm 2022, chúng ta đã vượt qua Hàn
Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn thứ sáu của Mỹ tính theo giá trị xuất
khẩu. Mặc dù các chính sách "Giảm thiểu lạm phát" của Mỹ có thể gây tổn
hại phần nào cho kinh tế Việt Nam và các nền kinh tế Đông Nam Á khác, Việt Nam
vẫn đang thu hút lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các công ty mong muốn
dịch chuyển, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và sản xuất.
Trường hợp
công ty Luxshare là một bằng chứng. Luxshare, một trong những nhà sản xuất linh
kiện và thành phẩm lớn nhất của Apple, đang đầu tư mạnh vào Việt Nam, bao gồm
khoảng 500 triệu USD vào một nhà máy ở Bắc Giang, nơi sẽ tuyển dụng hàng chục
nghìn công nhân.
Phó Chủ tịch
Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Vafie) - ông Nguyễn Văn Toàn cho biết,
cơ hội thu hút FDI trong năm 2024 đang mở ra như năm 2008, thời điểm Việt Nam vừa
tham gia WTO.
Mức sống
người dân đang dần tăng lên tạo ra nội lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Bất chấp mọi khó khăn sau đại dịch, mức sống người dân Việt Nam nhìn chung vẫn được cải thiện, nhờ lạm phát được kềm chế. GDP bình quân đầu người tính theo sức mua đồng tiền của Việt Nam so với 10 năm trước tăng gấp 3 lần.
Nhu cầu
trong nước sẽ là động lực chính của nền kinh tế trong năm 2024. Theo ước tính,
hiện Việt Nam có tỷ lệ thương mại trên GDP là 200% (so với ở Indonesia chỉ là
35%), vì vậy, cầu trong nước của Việt Nam khiến Việt Nam không phải phụ thuộc
nhiều vào nước ngoài.
Theo nhà
kinh tế nổi tiếng Stanley Fisher (giáo sư kinh tế tại Đại học Chicago và MIT;
kinh tế trưởng tại IMF và Phó Chủ tịch Fed) thì chỉ số thu nhập bình quân đầu
người tính theo sức mua đồng tiền (PPP) mới là thước đo tương đối chính xác mức
sống người dân của các quốc gia. PPP thường được coi là thước đo tốt hơn về
phúc lợi tổng thể. Cựu giáo sư MIT Stanley Fischer cho rằng: PPP thực sự là chuẩn
mực tốt nhất để đánh giá sức khỏe nền kinh tế. Nếu căn cứ theo chuẩn này, kinh
tế Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định trong 10 năm qua và sẽ tiếp tục với
tốc độ cao hơn.
Dù lạc
quan hay bi quan, năm mới 2024 vẫn tới với nhiều thách thức, cơ hội và cũng
tràn đầy hy vọng. Còn nền kinh tế Việt Nam như những tuyến cáp treo, chỉ có một
hướng là tiến lên phía trước, để đến đỉnh cao hơn.
Theo Trần Ngọc Châu - BCP