Viện Nghiên cứu Hyundai mới đây cũng đã điều chỉnh giảm triển vọng tăng trưởng của quốc gia này trong năm nay từ 2,8% xuống 2,6%. "Nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tiếp tục phục hồi trong năm nay, nhưng tốc độ tăng trưởng của nó sẽ chậm lại so với năm ngoái", tổ chức trên cho biết trong một báo cáo.

Hãng tin KBS mới đây đưa tin, ngày 6/4 Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra dự báo tiếp nối đà tăng trưởng trong năm ngoái, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc sẽ đạt 3% trong năm nay và 2,6% vào năm sau.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc mà ADB đưa ra lần này tương tự mức dự báo được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra hồi tháng 1 năm nay và của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc trong tháng 2.

ADB giải thích kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng nhờ sự phục hồi của tiêu dùng tư nhân do thị trường tuyển dụng cải thiện, các nước nới lỏng biện pháp hạn chế di chuyển, cùng với đó là đà tăng trưởng xuất khẩu nhờ kinh tế của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc phục hồi.

Tỷ lệ tăng giá tiêu dùng của Hàn Quốc dự kiến sẽ đạt 3,2% trong năm nay và 2% trong năm tới do các yếu tố nhất thời như giá dầu và giá thực phẩm tăng cao.

Ngoài ra, ADB cũng dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á đạt 5,2% trong năm nay và 5,3% trong năm sau, trong đó bao gồm 49 nước thành viên thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trừ Nhật Bản, Australia và New Zealand.

ADB nhận định bất chấp các yếu tố bất ổn về địa chính trị gần đây, khu vực châu Á vẫn sẽ duy trì đà tăng trưởng vững chắc, nền kinh tế mở rộng hơn so với thời kỳ dịch COVID-19 nhờ phổ cập tiêm chủng vắc-xin.

Tỷ lệ tăng giá tiêu dùng ở châu Á được dự đoán là 3,7% trong năm nay và 3,1% trong năm sau. ADB chỉ ra rằng chiến sự Nga-Ukraine ảnh hưởng tập trung ở khu vực Trung Á, song giá năng lượng và thực phẩm tăng do cuộc chiến này có thể ảnh hưởng đến toàn bộ châu Á. Ngoài ra, thị trường tài chính bất ổn do Mỹ siết chặt chính sách tiền tệ và sự xuất hiện của biến thể mới của virus COVID-19 cũng được coi là yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế khu vực.

ADB khuyến cáo các nước đang phát triển trong khu vực châu Á cần huy động nguồn thu thuế để đảm bảo đầu tư tài chính đầy đủ nhằm vượt qua các thách thức tăng trưởng; áp dụng chế độ thuế giá trị gia tăng hiệu quả liên quan đến kinh tế kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ; tối ưu hóa chi tiêu ngân sách, hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên như môi trường và y tế.

T/h

Theo YH &KBS