Trong bối cảnh chuyển đổi số, việc sử dụng và phân tích dữ liệu không chỉ là lợi thế mà còn là yếu tố thiết yếu trong phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Tại Việt Nam, ngoài CIC, thị trường cung cấp dữ liệu, thông tin còn có sự tham gia của nhiều “tay chơi” mới như FiinGroup, Fireant, Bloomberg, Misa…
Nhu cầu sử dụng và phân tích dữ liệu ngày càng lớn
Phát biểu tại tọa đàm "Sản phẩm dữ liệu và phân
tích dữ liệu cho Tổ chức Tài chính" mới đây, ông Nguyễn Minh Tú, Giám đốc
khối dịch vụ thông tin doanh nghiệp FiinGroup, khẳng định: “Phát triển các sản
phẩm tài chính số đã trở thành xu thế tất yếu khi chuyển đổi số đang diễn ra mạnh
mẽ. Trong dòng chảy đó, nhu cầu về khai thác dữ liệu và nâng cao năng lực phân
tích của các tổ chức tài chính cũng tăng lên đáng kể”.
Toàn cảnh tọa đàm.
Theo ông Tú, việc sử dụng dữ liệu và phân tích dữ liệu
không chỉ giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực mà còn có thêm những giải
pháp và góc nhìn mới. Hiện nay, các tổ chức tài chính đang tận dụng dữ liệu lớn
(big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để cung cấp dịch vụ hiệu quả, tối ưu hóa trải
nghiệm khách hàng và đảm bảo minh bạch.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định
47/2024/NĐ-CP quy định về danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; việc xây dựng, cập
nhật, duy trì, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia. Điều này tạo nền tảng
vững mạnh cho các ngân hàng, tổ chức tài chính và các bên thứ 3 có cơ hội tiếp
cận với cơ sở dữ liệu mới này, thúc đẩy phát triển thêm các dịch vụ phân tích dữ
liệu chuyên sâu trên thị trường, ông Tú nhận định.
Theo thống kê của FiinGroup, bên cạnh những đơn vị truyền thống như Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), một số doanh nghiệp tổ chức mới cũng bắt đầu gia nhập thị trường cung cấp dữ liệu, thông tin ở Việt Nam, bao gồm Bloomberg, Fireant, Vietstock, Wigroup, FiinGroup hoạt động ở mảng thông tin tài chính; Virac, VietnamCredit,… hoạt động chuyên về mảng thông tin kinh doanh.
Ông Nguyễn Minh Tú, Giám đốc khối dịch vụ
thông tin doanh nghiệp FiinGroup.
Ngoài ra còn có các fintech, ví điện tử như MoMo, Zalo
và một số đơn vị thiên về hạch toán, kế toán, kiểm toán như Misa, Datanest,…
cũng tiếp cận thị trường theo hướng cung cấp dữ liệu và phân tích tài chính cho
các ngân hàng và các tổ chức tài chính trong những năm gần đây.
Bà Nguyễn Thu Trang, Trưởng phòng Kinh tế Phát triển của
Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) cho biết, trong 5 năm qua,
NHNN và CIC đã cố gắng xây dựng kho dữ liệu toàn diện và phân tích dữ liệu hiệu
quả nhất để phục vụ các tổ chức tín dụng và các cơ quan liên quan.
Cụ thể, về cơ sở dữ liệu, CIC hiện đang thu thập từ
100% các tổ chức tín dụng và gần 1.200 quỹ tín dụng Nhân dân trên toàn lãnh thổ
Việt Nam. Ngoài ra, còn có hơn 60 các tổ chức tự nguyện tham gia hệ thống thông
tin tín dụng của CIC, có thể kể đến như các công ty bán lẻ, quỹ đầu tư phát triển
các tỉnh, thành phố hay các công ty bán hàng trả góp và trả chậm.
Dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu đó, CIC đã tạo lập các
hệ thống sản phẩm dịch vụ để phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước, NHNN trong
việc hoạch định các chính sách liên quan đến thực thi tín dụng như các chính
sách giám sát, chính sách tài chính tiền tệ khác.
Khơi thông thị trường
dữ liệu
Mặc dù đã ghi nhận nhiều bước tiến song việc khai
thác, phân tích dữ liệu, thông tin tại Việt Nam vẫn đang vướng một số rào cản.
Ông Nguyễn Minh Tú cho biết: “Các tổ chức tài chính ở
Việt Nam chủ yếu truy cập dữ liệu cơ bản như hồ sơ doanh nghiệp, mã định danh
cá nhân và thông tin tín dụng. Các loại dữ liệu quan trọng như bảo hiểm xã hội,
hồ sơ thuế, và dữ liệu giao dịch vẫn khó tiếp cận, làm hạn chế thị trường dữ liệu”.
Những thách thức khác còn có thể kể đến như việc chia sẻ dữ liệu liên ngân hàng còn hạn chế, các tổ chức tài chính Việt Nam vẫn dựa vào các mô hình truyền thống trong phát hiện gian lận, chấm điểm tín dụng và phân tích rủi ro,…
Bên cạnh đó, theo chia sẻ của ông Đoàn Thanh Hải, Phó
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Công
an đang dự thảo Luật mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự kiến có nhiều quy định để
bảo vệ dữ liệu cá nhân chặt chẽ hơn. Trong đó, có yêu cầu ngân hàng muốn chia sẻ
dữ liệu cá nhân với bên thứ ba phải được sự đồng ý của cá nhân đó.
"Một mặt, điều này rất có lợi cho người dân nhưng
mặt khác, đây cũng là một thách thức đối với các ngân hàng vì trong quá trình
làm việc, việc xử lý dữ liệu sẽ bị gián đoạn", ông nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Jinchang Lai, Chuyên gia
trưởng, Trưởng nhóm cơ sở Hạ tầng Tài chính, Bộ phận Tư vấn các Định chế Tài
chính, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, IFC, cho biết việc thu thập dữ liệu của
tổ chức tài chính cùng các dữ liệu khác bên ngoài (gọi chung là hệ sinh thái dữ
liệu mới) cần phải có 4 cấu phần chính, bao gồm niềm tin vào các doanh nghiệp
trung gian cung cấp dữ liệu khác bên ngoài; cơ sở hạ tầng cho việc quản lý dữ
liệu mới; thực tiễn hay nền tảng quản lý dữ liệu; hành lang pháp lý có hướng dẫn
chính thức về cơ chế quản lý và xử lý dữ liệu.
Ông cho rằng dữ liệu cá nhân có rất nhiều mảng, từ dữ
liệu về nhân tính cho đến các dữ liệu nhạy cảm và nếu tất cả mọi thứ đều phải dựa
vào sự đồng thuận của khách hàng thì hiệu quả của việc sử dụng dữ liệu sẽ không
cao.
“Luật bảo hộ dữ liệu cá nhân thì cũng cần có quy định, có bộ quy tắc riêng, trong đó cần ưu tiên áp dụng quy định chuyên ngành như cơ quan thông tin tín dụng. Thay vì quy định chung chung là dữ liệu cá nhân thì không thể chạm vào thì cần phân cấp trong việc bảo vệ dữ liệu, xếp hạng dữ liệu theo từng cấp độ tùy theo mức độ quan trọng của dữ liệu để có thể khai thác cho phù hợp”, ông khuyến nghị.
FI