Thông tin được Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường Khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi đang tham vấn ý kiến.

Theo đó, dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi (giai đoạn 1) thuộc khu kinh tế Dung Quất, nằm trên địa bàn hai xã Bình Thanh, Bình Hiệp, huyện Bình Sơn. Vị trí này cách cảng Dung Quất khoảng 23 km và sân bay Chu Lai 33 km về phía Bắc.

Dự án có quy mô gần 500 ha, một mặt giáp Quốc lộ 1A. Hiện trạng khu vực triển khai dự án chủ yếu là đất nông nghiệp, đất ở nông thôn, sông ngòi, thuỷ lợi. Dự án có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất khoảng 154 ha đất trồng cây lâu năm, gần 145 ha đất trồng lúa, hơn 60 ha đất rừng sản xuất... Ngoài ra, khoảng 17 ha đất ở nông thôn dự kiến bị ảnh hưởng với khoảng 130 hộ dân đang sinh sống.

Hiện Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và UBND huyện Bình Sơn đã xây dựng Khu tái định cư Bình Long gần 15 ha và khu nghĩa trang nhân dân Phượng Hoàng (giai đoạn 2) gần 5 ha để đáp ứng tiến độ dự án VSIP II Quảng Ngãi và khu công nghiệp đô thị, dịch vụ Bình Thanh.


Vị trí khu vực quy hoạch dự án Khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi (giai đoạn 1). Ảnh: ĐTM

Theo quy hoạch, khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi gồm các hạng mục chính như khu công trình dịch vụ, công trình sản xuất, kho tàng, hạ tầng kỹ thuật... Dự án sẽ phát triển đa ngành, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường gắn với khu đô thị - dịch vụ hỗ trợ. Các ngành được ưu tiên thu hút đầu tư gồm sản xuất ôtô, dệt may, chế biến thực phẩm, đồ uống, chế biến, chế tạo...

Tổng vốn đầu tư dự án gần 3.800 tỷ đồng. Quy mô công nhân dự kiến khoảng 49.000 lao động.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Chủ đầu tư cho biết giai đoạn thi công trong vòng 60 tháng (5 năm). Từ quý IV/2025, dự án có thể đưa vào vận hành, kêu gọi đầu tư và giao đất cho chủ dự án thứ cấp.

Hiện VSIP có hơn 14 dự án khu công nghiệp vận hành trên toàn quốc, tính từ 1996 đến nay. Bên cạnh Quảng Ngãi, thời gian qua, chủ đầu tư này cũng được chấp thuận chủ trương đầu tư thêm khu công nghiệp ở Thái Bình, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Bình Thuận.

Với vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Ngãi hiện có 5 khu công nghiệp và 20 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, trong đó có một khu kinh tế Dung Quất với quy mô hơn 45.000 ha. Theo quy hoạch tới 2030 được Chính phủ duyệt, Quảng Ngãi sẽ trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với hai ngành chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép.

VNE