Là một phần trong quy hoạch chi
tiết phát triển hệ thống cảng cạn và trung tâm logistics Việt Nam giai đoạn
2020, định hướng tới năm 2030, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc là “siêu cảng”
đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại khu vực ASEAN, có chức năng
tích hợp của Trung tâm phân phối (Distribution Center - DC) và Cảng cạn (Inland
Container Depot – ICD) để phục vụ cho hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics
theo nhu cầu của thị trường.
Trung tâm có quy mô hơn 83ha, tổng vốn đầu tư gần 3.900 tỷ đồng, công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 530.000 TEU/năm, nằm tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, do Công ty Cổ phần T&Y Superport Vĩnh Phúc (liên danh Tập đoàn T&T Group và đối tác Singapore là Tập đoàn YCH và Công ty YCH Holdings) làm chủ đầu tư.
Đáng chú ý, để phù hợp với xu hướng
công nghệ trong logistics cùng nhu cầu phát triển của vận tải container, hoà nhập
với xu thế container hoá mạnh mẽ của các nước trong khu vực cũng như toàn cầu,
Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc được ứng dụng công nghệ IoT hiện đại hàng đầu
thế giới, như dùng robot để tự động hóa trong kho hàng cùng hệ thống điều khiển
bằng máy tính điện tử hiện đại. Lịch trình, thông tin của các container đến, đi
khỏi trung tâm sẽ được số hoá và được gửi tới trung tâm điều khiển tại trung
tâm bằng các mạng thông tin hiện có.
Theo kế hoạch, dự án sẽ đưa vào vận
hành khai thác giai đoạn 1 từ Quý III/2022 và đưa giai đoạn 2 vào vận hành từ
Quý IV/2024.
Trước đó, vào tháng 11/2020,
trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên
quan - một trong các hoạt động nổi bật trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN,
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân
Phúc) và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã bấm nút khởi động Mạng lưới
logistics thông minh ASEAN với dự án đầu tiên “Trung tâm Logistics ICD Vĩnh
Phúc”. Cũng trong dịp này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã trao Quyết định chủ
trương đầu tư dự án cho Liên danh T&T Group – YCH – YCH Holdings.
Theo đại diện Tập đoàn T&T
Group, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc được kỳ vọng sẽ mở đầu cho sự đột phá
của logistics Việt Nam, hướng tới mục tiêu năm 2025 chi phí logistics tại Việt
Nam sẽ giảm xuống 16%-20% GDP và tỷ trong đóng góp của dịch vụ logistics vào
GDP đạt 5-6%. Đồng thời, đây sẽ là cánh tay nối dài cho hệ thống cảng biển, giúp
giảm áp lực lên hệ thống cảng; tạo điều kiện thuận lợi cho các khu công nghiệp,
các nhà máy trong việc gom hàng, đóng rút hàng hóa và thực hiện thủ tục thông
quan hải quan, đảm bảo chuỗi cung ứng được vận hành trơn tru và hiệu quả. Qua
đó góp phần thúc đẩy giao thương kinh tế, hàng hóa giữa Việt Nam, ASEAN, Trung
Quốc và các thị trường quốc tế khác. Đồng thời, hình thành trung tâm đào tạo
nguồn nhân lực chuỗi cung ứng logistics công nghệ cao thông minh 4.0.
“Đây sẽ là một trong những trung
tâm hậu cần lớn nhất miền Bắc Việt Nam, kết nối các khu công nghiệp bằng đường
bộ, đường sắt, cũng như kết nối với Hà Nội, Sân bay quốc tế Hải Phòng và tỉnh
Vân Nam của Trung Quốc”, đại diện Tập đoàn T&T Group nhấn mạnh.
Trong những năm qua, ngành
logistics Việt Nam đã có những bước tiến rất đáng kể. Chỉ số hiệu quả logistics
Việt Nam hiện đứng thứ 39/160, tăng 25 bậc so với năm 2016, đứng thứ 3 trong
các nước ASEAN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chi phí logistics ở Việt Nam vẫn
đang cao hơn nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới. Theo số liệu năm 2020 của
Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí logistics ở Việt Nam bằng khoảng 20,9-25% GDP.
Trong khi đó mức chi phí này ở Thái Lan là 19%, Malaysia là 13%, Singapore là
8% và Mỹ là 7,7%. Chi phí logistics tăng cao đẩy chi phí hàng hóa xuất nhập khẩu
của Việt Nam tăng theo đã làm mất lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu
vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia...
Với áp lực cạnh tranh gay gắt của thương mại quốc tế, chạy đua về công nghệ tiếp tục tạo lợi thế cạnh tranh, tiết kiệm thời gian, tối ưu hóa chi phí, trách nhiệm, linh hoạt và giảm rủi ro, Trung tâm logistics công nghệ cao như dự án ICD Vĩnh Phúc không chỉ là điều kiện cần thiết cho sản xuất công nghiệp, là mắt xích thiết yếu giúp giảm chi phí thương mại, tăng sự ổn định cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại ở các quốc gia.
Cũng tại sự kiện, để tiếp sức cho
Vĩnh Phúc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, Tập đoàn T&T Group đã trao
tặng 100.000 bộ kít xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 BIOCREDIT COVID-19
Ag trị giá gần 5 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền mà T&T
Group và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của doanh nhân Đỗ Quang Hiển đã ủng
hộ, tài trợ cho công tác, phòng chống dịch COVID-19 trên cả nước đã lên tới hơn
1.500 tỷ đồng.
Thuỳ Linh - BCT