Giờ đây, một nhân tố mới: cuộc xung đột Nga-Ukraine- đang gây ra một trở ngại khác cho ngành công nghiệp ô tô. Giữa bối cảnh nhu cầu mua xe tăng cao, nguyên liệu khan hiếm và xung đột gây ra những gián đoạn nguồn cung mới, giá xe dự kiến sẽ còn cao hơn nữa trong năm tới.

Hãng sản xuất ô tô BMW đã ngừng hoạt động sản xuất tại hai nhà máy ở Đức, trong khi hãng xe Mercedes đang giảm công suất tại các nhà máy lắp ráp của mình. Còn Volkswagen, vốn đã cảnh báo về việc ngừng sản xuất, cũng đang tìm kiếm các nguồn cung phụ tùng thay thế.

Tổn hại từ sự bất ổn địa chính trị này đối với ngành công nghiệp ô tô đã xuất hiện trước tiên ở châu Âu. Nhưng hoạt động sản xuất ô tô của Mỹ cũng sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng nếu xuất khẩu kim loại của Nga - từ palladium sử dụng cho bộ chuyển đổi xúc tác cho tới niken để sản xuất pin xe điện – đều bị “đóng băng”.

Các vấn đề về nguồn cung đã khiến các nhà sản xuất ô tô “điêu đứng” kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cách đây hai năm, nhiều hãng phải đóng cửa các nhà máy chế tạo và gây ra tình trạng thiếu xe trên toàn cầu. Sự phục hồi mạnh mẽ sau dại dịch khiến nhu cầu ô tô vượt xa nguồn cung, khiến giá xe mới và xe cũ tăng vọt so với mức lạm phát nói chung.

Theo trang web về thị trường ô tô Edmunds.com, tại Mỹ, giá trung bình của một chiếc xe mới trong tháng 2/2022 đã tăng 13% so với một năm trước đó, lên 45.596 USD. Giá xe đã qua sử dụng trung bình tăng mạnh hơn nhiều trong tháng Hai vừa qua, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 29.646 USD.

Trước cuộc xung đột Nga-Ukraine, S&P Global đã dự đoán rằng các nhà sản xuất ô tô toàn cầu sẽ sản xuất 84 triệu xe trong năm nay và 91 triệu trong năm tới. Tuy nhiên, hiện họ đã hạ mức dự báo này xuống 82 triệu xe vào năm 2022 và 88 triệu xe vào năm 2023.

Mark Fulthorpe, Giám đốc điều hành của S&P Global, ở trong số các nhà phân tích cho rằng lượng xe mới sẵn có ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu sẽ vẫn khan hiếm và giá xe vẫn sẽ ở mức cao vào năm 2023.

Thị trường ô tô mới thắt chặt dẫn tới sự gia tăng nhu cầu đối với ô tô đã qua sử dụng và giữ cho giá xe này tăng cao, vượt ngoài khả năng chi trả đối với nhiều hộ gia đình.

Điều này, cùng với tỷ lệ lạm phát hiện đã ở mức cao nhất trong 40 năm tại Mỹ do giá tăng ở các mặt hàng thực phẩm, xăng dầu, tiền thuê nhà và các nhu cầu thiết yếu khác, có thể sẽ khiến một lượng lớn người dân không đủ khả năng mua một chiếc xe mới hoặc thậm chí cả một chiếc xe đã qua sử dụng.

Một nhân tố đứng sau triển vọng sản xuất mờ nhạt của lĩnh vực sản xuất ô tô là việc đóng cửa các nhà máy ô tô ở Nga. Tuần trước, nhà sản xuất ô tô Renault của Pháp, một trong những nhà sản xuất ô tô cuối cùng duy trì hoạt động tại Nga sau cuộc khủng hoảng Ukraine, cho biết họ sẽ tạm ngừng sản xuất ô tô tại “xứ sở Bạch dương”.

Tình hình xung đột ở Ukraine cũng gây tổn hại đến các hãng xe. Ngân hàng Wells Fargo (Mỹ) ước tính, từ 10% đến 15% hệ thống dây điện quan trọng sử dụng cho những chiếc ô tô ở Liên minh châu Âu (EU) được sản xuất tại Ukraine.

Trong thập kỷ trước, các nhà sản xuất ô tô và các công ty phụ tùng đã đầu tư vào các nhà máy ở Ukraine để hạn chế chi phí và có được vị trí gần các nhà máy ô tô ở châu Âu.

Sự thiếu hụt hệ thống dây điện đã khiến các nhà máy ở Đức, Ba Lan, Cộng hòa Czech (Séc) và các nơi khác bị chậm lại, khiến S&P Global phải giảm dự báo sản lượng ô tô trên toàn cầu xuống 2,6 triệu xe cho cả năm nay và năm tới. Sự thiếu hụt có thể làm giảm lượng xe xuất khẩu của Đức sang Mỹ và các nơi khác.

Hệ thống dây điện cho ô tô và các đầu nối riêng cho từng kiểu máy không thể dễ dàng được cung cấp lại cho một nhà sản xuất linh kiện khác. Bất chấp xung đột, các nhà sản xuất dây điện như Aptiv và Leoni đã cố gắng mở lại các nhà máy ở miền Tây Ukraine.

Aptiv, có trụ sở tại Dublin, Ireland, đang cố gắng chuyển hoạt động sản xuất của họ sang Ba Lan, Romania, Serbia và có thể cả Morocco. Tuy nhiên, quá trình này sẽ kéo dài đến sáu tuần, khiến một số nhà sản xuất ô tô rơi vào tình cảnh thiếu phụ tùng trong thời gian đó.

BMW đang cố gắng phối hợp với các nhà cung cấp Ukraine và đang tạo ra một mạng lưới rộng lớn hơn cho nguồn cung phụ tùng.

Mercedes và Volkswagen cũng vậy. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn cung thay thế có thể là bất khả thi. Hầu hết các nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô hiện đều đang hoạt động gần hết công suất, vì vậy họ sẽ phải mở rộng thêm cơ sở hoạt động, mất nhiều tháng để thuê thêm người và tăng ca làm việc.

Tương tự như vậy, Nga là nhà cung cấp chính các nguyên liệu thô như bạch kim và palladium, vốn được sử dụng trong các bộ chuyển đổi xúc tác giảm ô nhiễm của ô tô.

Nga cũng sản xuất 10% tổng sản lượng niken của thế giới, một thành phần thiết yếu trong pin xe điện. Nga còn là một nhà sản xuất nhôm lớn và là nguồn cung cấp gang, thường được sử dụng để sản xuất thép, đáng kể.

Công ty tư vấn tài chính Alix Partners (Mỹ) cho biết, gần 70% lượng gang nhập khẩu của Mỹ đến từ Nga và Ukraine, vì vậy các nhà sản xuất thép sẽ cần chuyển sang nguồn cung gang của Brazil hoặc sử dụng các nguyên liệu thay thế.

Trong khi đó, giá thép đã tăng vọt từ 900 USD/tấn cách đây vài tuần lên mức hiện tại là 1.500 USD/tấn. Do vậy, xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trùng phạt từ phương Tây liên quan đến vấn đề này đang khiến chuỗi cung ứng càng trở nên bế tắc hơn.

Cho đến nay, các cuộc đàm phán về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine vẫn chưa đi đến đâu. Trong khi đó, đợt bùng phát COVID-19 mới ở Trung Quốc cũng có thể làm trầm trọng hơn sự gián đoạn nguồn cung linh kiện ô tô.

Các nhà phân tích trong ngành này cho biết họ không thể dự báo khi nào các linh kiện ô tô, nguyên liệu thô và hoạt động sản xuất ô tô sẽ diễn ra bình thường.

Ngay cả khi một thỏa thuận tạm ngừng xung đột đạt được giữa Nga và Ukraine, các lệnh trừng phạt đối với hàng xuất khẩu của Nga sẽ vẫn còn nguyên giá trị cho đến khi hai bên đạt được thỏa thuận cuối cùng để chấm dứt căng thẳng. Và có thể đến khi đó, nguồn cung cũng chưa thể trở lại bình thường./.

Theo BNEWS