Lãnh đạo TP. Hà Nội, TPHCM cho biết hai địa phương đang khấn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tập trung vào 5 nhóm chính sách: Huy động nguồn vốn; rút ngắn tiến độ, phát triển đô thị theo hướng tuyến giao thông (TOD); phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực; các chính sách khác. Trong đó, 2 thành phố đề xuất 13 chính sách chung, TP. Hà Nội có 6 chính sách riêng, TPHCM có 17 chính sách riêng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT cùng 2 thành phố khẩn trương
rà soát nội dung cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù trong dự thảo nghị quyết
trình Quốc hội theo thủ tục rút gọn
Phó Chủ tịch
UBND TPHCM Bùi Xuân Cường kiến nghị áp dụng trình tự thủ tục rút gọn khi xây dựng,
ban hành nghị quyết của Quốc hội (sẽ rút ngắn 5-6 tháng); đồng thời phân cấp
cho TPHCM lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đường sắt, quyết định
chủ trương đầu tư…
Phó Chủ tịch
UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông kiến nghị một số nhóm chính sách đặc thù như:
Không thực hiện thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư các dự án
đường sắt đô thị; thu hồi đất song song với quá trình chuẩn bị đầu tư; lập quy
hoạch phương án tuyến, vị trí công trình và khu vực TOD không cần đợi điều chỉnh
các quy hoạch liên quan…
Đánh giá hồ
sơ đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội của 2 thành phố, Thứ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Danh Huy cho biết, phần đánh giá tác động của từng chính sách chưa đánh
giá cụ thể các phương án của từng chính sách; chưa lấy ý kiến các cơ quan, đơn
vị liên quan; chưa rà soát, cập nhật đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật vừa ban
hành.
Ngoài ra,
nội dung đề xuất cơ chế chính sách dự kiến trình Quốc hội của 2 thành phố có
nhiều điểm khác nhau do: Các chính sách pháp luật khác nhau; điều kiện thực tế,
các vướng mắc khác nhau; quan điểm huy động nguồn lực đầu tư khác nhau. Đơn cử,
TP. Hà Nội có loại dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD nhưng TPHCM lại
không có; TP. Hà Nội kiến nghị lập ngay báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án đường
sắt đô thị; TPHCM kiến nghị chỉ cần căn cứ quy hoạch chung là thành phố có thể
phê duyệt chủ trương đầu tư… Vì vậy, 2 thành phố cần rà soát để thống nhất các
chính sách chung.
Lãnh đạo Bộ
KH&ĐT, Bộ Tư pháp cho rằng có đủ căn cứ để xây dựng dự thảo nghị quyết
trình Quốc hội ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn. Nghị quyết của Quốc hội
có thể áp dụng cho cả 2 thành phố, bao gồm chính sách chung và chính sách áp dụng
riêng. Quan trọng nhất là Bộ GTVT cùng 2 thành phố phải làm rõ nội hàm của từng
cơ chế chính sách.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai Đề
án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị TP. Hà Nội, TPHCM
Kết luận
cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT cùng 2 thành phố khẩn
trương rà soát nội dung từng cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù trong dự thảo
nghị quyết trình Quốc hội theo thủ tục rút gọn.
Trong đó,
cần phân nhóm chính sách chung dành cho cả 2 thành phố (bao gồm cả những chính
sách mới chỉ thực hiện ở TP. Hà Nội hoặc TPHCM); nhóm chính sách riêng cho từng
thành phố.
Phó Thủ tướng
giao 2 thành phố đề xuất cụ thể về cơ chế chính sách phân cấp trình tự thủ tục
phê duyệt dự án, quyết định chủ trương đầu tư, vốn đầu tư, điều chỉnh quy hoạch…
bảo đảm rút ngắn trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, đẩy nhanh
tiến độ thi công xây lắp, sớm hoàn thành các dự án, trên tinh thần "địa
phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Đồng thời, triển
khai các bước theo quy định của pháp luật đầu tư, các cơ chế chính sách đặc biệt,
đặc thù đã đề xuất để chuẩn bị cho các dự án đầu tư đường sắt đô thị.
Bộ GTVT, 2
thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện
Tờ trình, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 2/2025.
Theo BCP