Ngân hàng Nhà nước cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt
đã tăng trưởng mạnh mẽ. Đến tháng 4 vừa qua, giao dịch thanh toán không dùng tiền
mặt đã tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng
tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65%
và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm
2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh
toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015-2021,
trong đó đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới
trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). Trong số 1,1 triệu khách hàng
đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn,
miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (chiếm hơn 60% tổng số khách
hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).
Tiền di động (Mobile Money),
được hiểu là hình
thức thanh toán được thực hiện bằng hoặc thông qua một thiết bị di động. Người
dùng không cần có tài khoản ngân hàng, không cần sử dụng Smartphone hay phải có
Internet mới thực hiện các các dịch vụ chuyển tiền, thanh toán. Hạn mức giao dịch
Mobile Money không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản cho tổng giao dịch.
Chính vì phát triển thị trường ngách, tập trung vào đối tượng
không có tài khoản ngân hàng, với đặc thù địa bàn vùng sâu, vùng xa sẽ là lối
đi mà Mobile Money hướng tới. Điều này có thể tạo nên sự khác biệt so với các dịch
vụ thanh toán hiện nay. Song cũng có những khó khăn trong quá trình triển khai.
Với việc đưa vào hoạt động dịch vụ thanh toán thông qua tài
khoản viễn thông Mobile money được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy nhanh phát triển
kinh tế số nhất là ở vùng nông thôn, khu vực đang có hơn 3 triệu hộ gia đình đã
tham gia trên thương mại điện tử.
Cùng với đó góp phần sớm hoàn thành mục tiêu từ 80% người
dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đã được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt tại đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn
2021-2025.
Theo thống kê, hiện có khoảng 30% người trưởng thành ở nước
ta chưa có tài khoản hoặc khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Tuy nhiên thời gian
qua, hoạt động thanh toán trên di động đã tăng tới 80% về mặt số lượng, và gần
100% về mặt giá trị. Việc phát triển dịch vụ Mobile money được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh
hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 125 triệu thuê bao di động,
trung bình mỗi người dân đều sở hữu một số điện thoại cá nhân. Việc đưa vào thí
điểm dịch vụ Mobile Money cùng với độ phủ sóng lên tới 99,8% lãnh thổ của hệ thống
hạ tầng, cơ sở dữ liệu, mạng lưới điểm giao dịch khổng lồ của các nhà mạng viễn
thông sẽ giúp góp phần phổ biến loại hình thanh toán mới này ra rộng khắp.
1TG