Hàng loạt doanh nghiệp
tuyển dụng sau Tết
Ngay
sau Tết nguyên đán Giáp Thìn, hàng loạt doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng đồng
loạt trở lại sản xuất. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp có đơn đặt hàng lớn, đang
có nhu cầu tuyển dụng thêm lượng lớn lao động.
Ông
Mai Xuân Tú, Giám đốc CTCP sản xuất Thương mại Hữu Nghị (Khu công nghiệp An Đồn,
TP Đà Nẵng) hiện đang giải quyết việc làm cho 1.800 lao động, với mức thu nhập
bình quân 9 triệu đồng/người/tháng.
Theo
ông Tú, đầu năm 2024, số lượng đơn hàng tăng, doanh nghiệp đang cần tuyển dụng
thêm khoảng 400 lao động cho nhiều vị trí việc làm nhằm đáp ứng yêu cầu công việc.
Tương
tự, Công ty TNHH Universal Alloy Corporation (UAC) Việt Nam đến nay đạt quy mô
nhân sự hơn 900 người và vẫn đang tuyển dụng nhiều vị trí để sẵn sàng cho giai
đoạn 2 của dự án Nhà máy hàng không linh kiện vũ trụ Sunshine.
Ông
Ciprian Bota, Giám đốc vận hành Công ty UAC Việt Nam cho hay, công ty luôn hướng
đến đội ngũ lao động chất lượng cao, hiệu quả với khả năng ngoại ngữ tốt để hòa
nhập vào chuỗi cung ứng hàng không toàn cầu.
Trong
khi đó, đại diện Tổng CTCP Dệt May Hòa Thọ cho hay, năm 2023, ngành dệt gặp nhiều
khó khăn. Đến nay, tổng thể nhu cầu thị trường vẫn thấp và dự báo kéo dài đến
quý 2/2024.
Hiện
Dệt may Hòa Thọ tập trung hoàn thiện các dự án đang triển khai như Nhà máy may
Triệu Phong (Quảng Trị) giai đoạn 3; cải tạo nhà xưởng may Quảng Ngãi; đầu tư
chiều sâu đổi mới công nghệ máy móc, thiết bị, tiếp tục thực hiện quá trình
chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ngoài
ra công ty vẫn đang tuyển dụng khoảng 50 lao động may cho Nhà máy may Hòa Thọ 1
để đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Theo
Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng, tính từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã
cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm cho hơn 350 người lao động; tổ chức 6
phiên giao dịch việc làm định kỳ tại 3 văn phòng của Trung tâm; kết nối với hơn
190 doanh nghiệp để thu thập thông tin tuyển dụng.
Trong
đó, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng số lượng lớn lao động như: Công ty CP Thủy sản
và Thương mại Thuận Phước tuyển 500 người; Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt
Nam tuyển 230 người; Công ty TNHH Daiwa Việt Nam tuyển 200 người…
Ngoài
các doanh nghiệp lớn, nhiều công ty vừa và nhỏ cũng đăng tin tuyển dụng lao động
với số lượng hàng chục người nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh đầu
năm.
Trao
đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng
cho biết, đến nay, Trung tâm đã kết nối với 53 đơn vị với 3.509 vị trí tuyển dụng
tại phiên giao dịch việc làm vào thứ 6 hàng tuần.
Khu Công nghệ cao Đà Nẵng
Đặc
biệt, mới đây, Trung tâm đã tư vấn cho quân nhân xuất ngũ của 7 quận huyện trên
địa bàn thành phố, với hơn 1.200 quân nhân.
"Thời gian tới,
Trung tâm tiếp tục chủ động trong công tác tư vấn, cung cấp thông tin tuyển dụng
thông qua nhiều kênh; phối hợp với tổ dân phố, phường xã, các hội đoàn thể...
tư vấn 100% các chính sách về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và học
nghề với người lao động có nhu cầu", ông Diệp cho
hay.
Đề xuất hỗ trợ nhà ở
cho công nhân
Foxlink
Đà Nẵng chính thức đi vào hoạt động từ ngày 29/9/2023 với vốn đầu tư 100% nước
ngoài 28 triệu USD, lĩnh vực chủ chốt là sản xuất linh kiện điện tử và các sản
phẩm công nghệ cao cho các ông lớn như Microsoft, Google, Apple.... với công
nghệ sản xuất tiên tiến.
Quy mô nhân công của nhà máy tầm 1.500-2.000 nhân lực, được đào tạo tại Việt Nam và Trung Quốc. Trong năm 2024, doanh nghiệp đang xin giấy phép xây dựng cho nhà máy giai đoạn 2.
Bà
Ngô Phẩm Trân, đại diện Tập đoàn Điện tử Foxlink cho biết, hiện nay đơn hàng đã
có sẵn, thậm chí doanh nghiệp đã phải lùi thời gian sản xuất lại từ 1 đến 2
tháng để đợi nhà máy xây dựng và tuyển dụng lao động.
Vì
vậy, phía tập đoàn mong muốn, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công
nghiệp thành phố cùng các ban ngành hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh thủ tục giấy
phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy…
Đặc
biệt, sắp tới, nguồn lao động đơn vị cần rất nhiều, không chỉ là lao động tại địa
phương mà còn ở nhiều tỉnh thành khác đến. Do đó, doanh nghiệp mong thành phố hỗ
trợ kết nối lao động ở các địa phương lân cận, đồng thời có giải pháp cho việc
nhà ở công nhân.
Theo
bà Trân, để đào tạo một nhân lực điện tử mất khá nhiều thời gian và công sức, vậy
nên doanh nghiệp muốn giữ chân người lao động thì phải có những điều kiện như
nhà ở ổn định.
"Tập đoàn mong
thành phố xem xét việc cấp khu đất để tập đoàn xây dựng nhà ở cho người lao động
như một số doanh nghiệp tại TP. Hà Nội, qua đó có thể giữ chân người lao động
cho doanh nghiệp và cho chính thành phố", bà Trân cho
hay.
Về
vấn đề này, ông Nguyễn văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã yêu cầu Ban Quản
lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp TP. Đà Nẵng hỗ trợ doanh nghiệp, giải
quyết sớm các vấn đề thuộc thẩm quyền.
"Riêng về nhà ở
công nhân, tôi rất ủng hộ quan điểm việc đầu tư nhưng phải phù hợp với quy hoạch.
Hiện nay, Đà Nẵng đã có khu nhà ở cho chuyên gia, nếu tập đoàn nghiên cứu đầu
tư có thể xem xét. Còn nhà ở công nhân thì trên cơ sở quy hoạch chung của thành
phố sẽ tính toán phù hợp", ông Quảng thông tin.
Tập
đoàn Điện tử Foxlink, là đơn vị có trụ sở chính ở Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc)
và có hơn 15 cơ sở thiết kế, sản xuất và bán hàng trên toàn thế giới như
HongKong (Trung Quốc), Myanmar, Việt Nam (TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng), Los
Angeles, Seattle...
NĐT