Anh Hiếu - một người sống ở vùng đào Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) - cho biết, Thất thốn là loại đào cảnh cổ, trước kia thời ông bà bố mẹ anh thì nhà nào ở vườn Nhật Tân (Hà Nội) cũng trồng, nhưng trải qua nhiều năm mai một, hiện nay chỉ một số nhà vườn duy trì được giống đào quý này.

Khác với đào phai hay đào bích, đào thất thốn có dáng lùn, cao hơn mặt đất 7 tấc (khoảng 1m), lá to, dài, có màu xanh đậm, từ gốc đến cành đều sùi phồng, nổi những u, mấu xù xì tạo nên vẻ cổ kính, phong trần hiếm có.


Hoa đào thất thốn thường nở bông to, cánh dày, hoa có màu hồng đậm, thiên về tông đỏ nên mang đến không khí mùa xuân rực rỡ, xua tan giá lạnh mùa đông.


Nếu các loại đào khác thường đơm hoa từ những cành nhỏ thì đào thất thốn có thể bất chợt đơm hoa từ những trụ gốc khô khốc, ở những nơi không tưởng nhất.


Một chủ vườn tại Nhật Tân cho biết nhà anh có khoảng 70 gốc đào thất thốn, trong đó có nhiều gốc đào quý hiếm và đắt giá. Mỗi gốc đào thất thốn được bán thường có tuổi đời tối thiểu 5 năm và cao nhất là 15 năm. Đào đẹp nhất là có tán hình nấm, lá dày, xanh thẫm, cành mọc chia đều ra xung quanh.

Thời điểm này, nhiều khách hàng đã rục rịch đến săn đào quý. Giá của loại đào "vương giả" này không hề rẻ, cho thuê hoặc bán có giá khoảng 30-70 triệu đồng tùy theo kích thước cũng như độ tuổi của cây. Thậm chí, những gốc đào thất thốn kích thước lớn, lâu năm có thể có giá lên đến vài trăm triệu đồng.


Đây là loại đào kén người chơi, khách hàng tới thuê hoặc mua cây thường là những người có am hiểu về giống đào thất thốn, sẵn sàng chi tiền để mang loại đào quý về chơi Tết. Anh Nam (Hòa Bình) đến tận vườn để xem đào từ sớm, anh cho biết: "Tôi có thói quen chọn đào trước khoảng 1 tháng để đặt được những cây có gốc đẹp, thế lạ".


Hiện tại một số nụ bắt đầu nở, theo chủ vườn, đến dịp Tết nguyên đán là lúc cây ra hoa đẹp nhất. Tuy nhiên, ít người biết đào thất thốn nguyên thủy vốn chỉ ra hoa sau rằm tháng Giêng. Để nuôi dưỡng được cây đào đạt chuẩn và cho hoa nở đúng dịp Tết, người trồng đào ở Nhật Tân phải tìm nhiều cách, mất công chăm sóc và phải sử dụng điều hòa 2 chiều để điều chỉnh nhiệt độ thích hợp.


Được biết, ý nghĩa cái tên Thất thốn cũng có rất nhiều cách lý giải khác nhau. Có người cho rằng, tên gọi đào Thất thốn là do cứ khoảng 7 "thốn" (mỗi thốn bằng khoảng một đốt ngón tay) lại chia ra các cành nhỏ, mỗi đầu cành ra hoa hay có 7 bông tượng trưng cho chữ thất. Cũng có người cho rằng, lá của loại cây này dài 7 khoảng thốn, gấp 3 - 4 lần so với lá đào thường nên mới được đặt tên như thế. Ngoài ra, còn một thuyết nữa cho rằng, 7 năm cây mới ra hoa kép 7 tầng, mỗi tầng hoa có 7 cánh nên gọi là đào thất thốn.

Diễm Linh - BTP