Kết thúc niên độ giải ngân năm 2024 (tháng 1/2025), TP.HCM chỉ giải ngân được khoảng 60.080 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 75,8%. Con số này còn cách khá xa mục tiêu giải ngân 95% mà Thành phố đề ra.
Theo số liệu
công bố của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, năm 2025, vốn đầu tư công được Chính
phủ giao cho Thành phố là 84.149 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2024. Trong tổng
số 84.149 tỷ đồng, thì vốn ngân sách trung ương là 3.237 tỷ đồng, chiếm 3,8%;
nguồn vốn ngân sách thành phố là 80.912 tỷ đồng, chiếm 96%.
Mặc dù được
giao số vốn đầu tư công “khổng lồ”, nhưng TP.HCM vẫn kiên trì với mục tiêu giải
ngân đầu tư đạt 95% trở lên. Mục tiêu đặt ra là quý I/2025 phải giải ngân đạt tỷ
lệ từ 15% trở lên; quý II đạt tỷ lệ từ 35% trở lên; quý III đạt tỷ lệ từ 70% trở
lên; quý IV đạt tỷ lệ từ 95% trở lên.
Ngoài việc
phải giải ngân số vốn được giao năm 2025, Thành phố còn phải giải ngân khoảng
20% vốn chưa giải ngân hết của năm 2024 chuyển sang. Khi đó, tổng nguồn vốn phải
giải ngân trong năm 2025 lên tới hơn 100.000 tỷ đồng. Đây là áp lực rất lớn cho
đầu tàu kinh tế của cả nước.
Ông Phan
Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, năm 2024 nếu không giải ngân hết thì vẫn
còn độ lùi sang năm 2025, nhưng năm nay là năm cuối của kế hoạch đầu tư công
trung hạn 2021-2025, nên phải phấn đấu giải ngân hết.
Với áp lực
giải ngân số vốn rất lớn và phải giải ngân ngay từ đầu năm, những ngày đầu năm
2025, lãnh đạo UBND TP.HCM đã họp với các cơ quan, đơn vị và giao rất rõ nhiệm
vụ cho từng đầu mối để thực hiện. Dù vậy, rất nhiều đơn vị không thực hiện nhiệm
vụ được giao theo đúng thời hạn.
Bên cạnh
đó, khi Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi Dự thảo Kế hoạch thực hiện giải ngân vốn đầu
tư công năm 2025 của Thành phố, hết thời hạn, chỉ nhận được góp ý của 28/60 cơ
quan, đơn vị. Điều đó cho thấy, nhiều cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đến việc đẩy
nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Để khắc phục
các điểm nghẽn cố hữu trong nhiều năm về giải ngân vốn đầu tư công, Sở Kế hoạch
và Đầu tư đề xuất, đối với nhóm các dự án chuẩn bị đầu tư dự kiến khởi công
trong năm 2025, thì phải hoàn tất công tác quyết định đầu tư chậm nhất trong
tháng 2/2025.
Đối với
các dự án đã được giải ngân vốn bồi thường giải phóng mặt bằng trong năm 2024,
phải giải ngân cho các tổ chức và người dân bị ảnh hưởng bởi dự án và bàn giao
mặt bằng chậm nhất trong tháng 4/2025. Đối với các dự án khởi công năm 2025, chậm
nhất trong tháng 6/2025, các địa phương phải hoàn tất thủ tục, giải ngân vốn giải
phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công chậm nhất trong
tháng 9/2025.
Khác với
những năm trước, năm nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, UBND Thành phố siết lại
kỷ luật đối với các đơn vị không thực hiện chế độ báo cáo giải ngân đầu tư
công. Trường hợp đơn vị nào 2 kỳ liên tiếp không có báo cáo hoặc 3 kỳ không báo
cáo thì kỷ luật khiển trách. Còn đơn vị nào 3 kỳ liên tiếp không có báo cáo hoặc
4 kỳ không báo cáo thì kỷ luật cảnh cáo.
Trong trường
hợp vi phạm quy định về chế độ báo cáo về giải ngân đầu tư công, thì các dự án
chỉ được bố trí vốn kế hoạch và giải ngân sau khi tiến hành xử phạt và bổ sung
các nội dung hoặc báo cáo còn thiếu theo quy định.
Một giải
pháp nữa được đề xuất là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương theo
hướng dự án đi qua quận, huyện nào thì giao địa phương đó làm chủ đầu tư để
nâng cao trách nhiệm, tạo sự chủ động cho các địa phương, nhất là công tác giải
phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thúc đẩy giải ngân vốn.
Trong cuộc
họp mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu, ngay sau khi giao vốn xong, các cơ
quan cần triển khai ngay các bước giải ngân đầu tư công, không nên để dồn vốn,
bị động vào cuối năm. “Với sự chủ động trong việc hoàn thành các khâu chuẩn bị,
chắc chắn năm 2025, TP.HCM sẽ giải ngân số vốn kỷ lục”, ông Mãi khẳng định.
Theo BĐT