Tỉ lệ nội địa hóa thấp và
nguyên nhân
Tại sự kiện "Phát triển
ngành công nghiệp hỗ trợ tại Khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ Nam Hà Nội" mới
đây, ông Nguyễn Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội
DN ngành CNHT Hà Nội cho biết: Việt Nam chỉ có khoảng 0,2% trong tổng số gần 1
triệu DN Việt Nam tham gia vào sản xuất, chế tạo trong ngành CNHT. Đây là con số
khá thấp khi so sánh với cộng đồng DN CNHT tại một số nước ngay trong khối
ASEAN.
Trong đó, tỉ lệ nội địa hóa các sản
phẩm CNHT của DN Việt Nam thuộc ngành chế tạo ô tô đạt khoảng 5-20%; điện tử
5-10%; da giày 30%; dệt may 30%. CNHT cho công nghệ cao đạt khoảng 1-2%; cơ khí
chế tạo khác 15-20%...
Từ hạn chế về việc nội địa hóa
các sản phẩm CNHT dẫn tới khối lượng linh kiện nhập khẩu hằng năm về Việt Nam lắp
ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD.
Đánh giá về sự phát triển của
ngành CNHT, ông Nguyễn Chí Dũng , Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 2
năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề.
Tuy vậy, những đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP của
Việt Nam vẫn chiếm tỉ trọng cao, từ 6,69% năm 2020 tăng lên 25,13% năm 2021.
Đây là một trong những điểm sáng nổi bật của phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, CNHT của Việt Nam vẫn
đang còn rất yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước. Một số ngành
công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp
ôtô, xe máy… hầu như chưa có ngành CNHT đi kèm, đang phải phụ thuộc rất nhiều
vào nguyên liệu nhập khẩu. Điều này dẫn đến sản xuất manh mún, bị động, chi phí
sản xuất cao, giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam thấp.
Về nguyên nhân của tình trạng
trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các DN CNHT của Việt Nam đang còn hạn
chế về năng lực quản lý sản xuất, trình độ công nghệ, chưa áp dụng các tiêu chuẩn
quốc tế hay công cụ quản lý sản xuất. Theo đó, chỉ có khoảng 20% DN có chứng nhận
ISO 9.000; 90% DN có chứng nhận ISO 14.000...
Các gói giải pháp cấp thiết,
hỗ trợ vốn nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa cho CNHT
Để phát triển ngành CNHT Việt Nam,
ông Nguyễn Hoàng cho rằng, Chính phủ cần sớm xây dựng Luật CNHT và trình
Quốc hội ban hành. Bên cạnh đó, cần thành lập Ban chỉ đạo cấp nhà nước do Phó
Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban với sự tham gia của các bộ, ngành, địa
phương, DN để thống nhất chỉ đạo thúc đẩy giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng
mắc cho DN CNHT.
Mặt khác, cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế để phát triển các ngành CNHT.
Để giải quyết những trở ngại đối
với DN sản xuất sản phẩm CNHT, cần có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn.
Việc kết nối với các DN, tập đoàn quốc tế lớn đang có mặt tại Việt Nam rất quan
trọng, để DN có thể tham gia vào chuỗi sản xuất CNHT.
Hiện, Bộ Công Thương đang trình
Chính phủ xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, đây là cơ hội rất tốt để chúng
ta đánh giá lại, đồng thời có giải pháp để thúc đẩy, hỗ trợ khu vực DN này
trong thời gian tới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang sửa
Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý KCN và khu kinh tế, trong đó đề xuất rất
nhiều cơ chế, chính sách mới phát triển khu kinh tế, KCN trong tình hình mới.
Nhật Thy - BCP