Bộ Tài
chính ngày 31/7 đã ra báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân
sách nhà nước lũy kế 6 tháng, ước thực hiện 7 tháng kế hoạch năm 2023.
Theo báo cáo, tổng kế hoạch vốn năm 2023 là trên 808.179 tỷ đồng, bao gồm cả kế hoạch vốn kéo dài các năm trước chuyển sang (54.123 tỷ đồng). Ước thanh toán từ đầu năm đến hết tháng 7 là trên 284.238 tỷ đồng, đạt 35,17% kế hoạch.
Riêng nguồn
vốn thuộc kế hoạch 2023, ước thanh toán đến hết tháng 7 đạt trên 267.625 tỷ đồng,
đạt 35,49% kế hoạch (cùng kỳ 2022 đạt 31,61% kế hoạch) và đạt 37,85% kế hoạch
Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ đạt 34,47%).
Ngoài ra,
lũy kế thanh toán kế hoạch vốn các năm trước kéo dài sang năm 2023 đến hết
tháng 7 đạt 16.613,2 tỷ đồng, đạt 30,7% kế hoạch.
Theo nhận
xét từ Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân 7 tháng kế hoạch năm 2023 tăng nhiều
so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vốn trong nước đạt 38,53% (cùng kỳ năm 2022
đạt 36,02%); vốn nước ngoài đạt 21,47% (cùng kỳ năm 2022 đạt 11,9%).
Cũng theo Bộ
Tài chính, có 12 bộ và 39 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên trung bình của
cả nước.
Một số bộ,
địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Đồng Tháp (58,29%), Tiền Giang
(56,3%), Long An (54,29%), Ngân hàng Phát triển (100%), Ngân hàng Nhà nước (63,38%),
Ngân hàng Chính sách xã hội (62,75%), Viện Khoa học công nghệ Việt Nam
(47,14%).
Tuy nhiên,
hiện vẫn còn 40 bộ và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới tỷ lệ trung
bình của cả nước, trong đó, có 32 bộ, cơ quan trung ương và 4 địa phương chỉ giải
ngân được dưới 20% kế hoạch vốn.
Điều chỉnh
vốn kịp thời
Cũng theo
báo cáo từ Bộ Tài chính, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 5 tổ công tác của Thủ
tướng Chính phủ về đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn
đầu tư công năm 2023 và các đoàn công tác do các thành viên Chính phủ chủ trì
đôn đốc, làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư
công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo tổng
hợp kết quả làm việc của các đoàn công tác, trong đó đã nêu các vướng mắc liên
quan đến giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Ngoài ra,
trên cơ sở tổng hợp các vướng mắc theo báo cáo 7 tháng của các bộ, cơ quan
trung ương, địa phương thì vẫn còn tồn tại một số vướng mắc khiến nhiều địa
phương chưa có tỷ lệ giải ngân đạt cao.
Cụ thể, một
số dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, chưa phân bổ vốn và giải ngân kế hoạch năm
2023. Một số bộ, cơ quan trung ương đang đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch năm
2023 nên không thực hiện việc phân bổ và giải ngân trong kế hoạch năm 2023.
“Các dự án
sử dụng vốn nước ngoài chậm tiến độ do quy trình thực hiện đầu tư mua sắm thiết
bị bằng nguồn vốn ODA có nhiều thủ tục và cần nhiều thời gian; phát sinh vướng
mắc trong quá trình lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu do một số thiết bị tiên tiến
chưa có báo giá trên thị trường để phục vụ cho công tác thẩm định giá”, Bộ Tài chính nêu rõ bất cập.
Mặc dù tỷ
lệ giải ngân của cả nước đang trên đà tăng nhưng để đạt mục tiêu giải ngân từ
95-100% kế hoạch vốn được giao như Chính phủ đề ra, vẫn rất cần sự nỗ lực hơn nữa
từ các bộ, ngành, địa phương.
Do đó, Bộ
Tài chính tiếp tục đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung chỉ
đạo tháo gỡ vướng mắc để triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về
giải ngân vốn đầu tư công, rà soát tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch vốn
ngân sách trung ương, bao gồm cả số không phân bổ hết theo đúng chỉ đạo tại Nghị
quyết số 97/NQ- CP ngày 8/7/2023 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ
tháng 6/2023 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương.
Đặc biệt,
“các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn kịp thời
từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có nhu cầu bổ sung vốn và có khả năng giải
ngân theo đúng quy định”, Bộ Tài chính lưu ý.
Đồng thời,
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phân bổ kế hoạch
năm 2023 sau khi Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư
công trung hạn 2021 – 2025; giao bổ sung vốn chương trình phục hồi và phát triển
kinh tế - xã hội.
Theo Vneconomy.vn