Tuần qua, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh nhất khu vực châu Á, đạt 473 - 453 USD/tấn tùy loại. Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, tình hình xuất khẩu gạo quý 2 của Việt Nam sẽ tích cực hơn so với quý 1/2023. Dự báo giá gạo xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao, do ảnh hưởng của những bất ổn về kinh tế, chính trị và nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng lên.

Chẳng hạn, ở thị trường các nước châu Âu, theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- châu Âu (EVFTA), Việt Nam được cấp hạn ngạch là 80.000 tấn gạo xuất khẩu. Khi doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu theo quy định thì được hưởng ưu đãi với mức miễn thuế là 175 euro/tấn.

Cùng với đó, các thị trường như Philippines, Trung Quốc và một số nước châu Phi đang có kế hoạch nhập khẩu gạo với số lượng lớn để dự trữ lương thực.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chia sẻ, xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.

Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu gạo tại các quốc gia châu Phi tăng. Dự báo thị trường Trung Quốc cũng sẽ bắt đầu tăng nhập khẩu dự trữ. Trong khi đó nguồn cung gạo từ Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại. Xu hướng sắp tới thị trường gạo sẽ tiếp tục “nhộn nhịp”, giá xuất khẩu tăng.

Trên thị trường gạo châu Á, trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu Việt Nam điều chỉnh tăng mạnh. Theo đó, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam vào cuối tuần này lần lượt đạt 473 USD/tấn và 453 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với thời điểm cuối tuần trước. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Thái Lan hiện được chào từ 480 – 482 USD/tấn, tăng nhẹ so với mức 475 – 482 USD/tấn ghi nhận vào cuối tuần trước.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp cho biết, giá gạo tăng do các chuyến hàng đến Trung Quốc đang phục hồi và Indonesia cũng đang mua thêm để cải thiện dự trữ quốc gia. Động thái cắt giảm lãi suất chính sách của ngân hàng Trung ương sẽ thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu, bao gồm cả xuất khẩu gạo.

Số liệu của Tổng cục Thống kê trong quý 1 cho thấy, xuất khẩu gạo đạt 1,7 triệu tấn, tương đương 952 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả trên cho thấy vụ lúa vừa được mùa vừa được giá và đây cũng là quý mặt hàng gạo có khối lượng và kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong 12 năm qua.

IVT