Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang dần dịch chuyển khỏi Trung Quốc, Việt Nam nổi lên như một điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, để khai thác tối đa cơ hội này, Việt Nam cần giải quyết các vấn đề hạ tầng, chính sách và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Báo cáo “The Reconfiguration of Foreign
Direct Investment in ASEAN+3” do Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3
(AMRO) công bố mới đây đã phân tích xu hướng chuyển dịch FDI toàn cầu do tác động
của các yếu tố kinh tế và địa chính trị. Báo cáo nêu rõ rằng ASEAN, đặc biệt là
Việt Nam, đã trở thành điểm đến ưu tiên của nhiều nhà đầu tư quốc tế. Sự điều
chỉnh FDI giữa Mỹ và Trung Quốc, với cả hai quốc gia đều giảm đầu tư vào thị
trường của nhau, đã giúp Việt Nam nổi lên như một sự thay thế lý tưởng với môi trường
đầu tư ổn định và chính sách khuyến khích dòng vốn FDI vào các ngành sản xuất
và công nghệ.
Trong năm 2022, tổng vốn FDI vào ASEAN đạt
1,5 nghìn tỷ USD, trong đó Singapore, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan là các quốc
gia nhận vốn lớn nhất. Ngược lại, Trung Quốc đã ghi nhận sự sụt giảm dòng vốn
FDI do căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ và chính sách kiểm soát vốn. Dòng vốn
vào ASEAN+3 chiếm 45% tổng FDI toàn cầu trong giai đoạn 2021-2023, vượt xa các
khu vực như EU và Bắc Mỹ.
Xu hướng giảm đầu tư vào Trung Quốc
Báo cáo của AMRO nêu rõ rằng ASEAN đã vượt
qua Trung Quốc để trở thành điểm đến chính của FDI trong nhiều ngành công nghiệp
chiến lược, phần lớn nhờ các chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm
thiểu rủi ro từ việc phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Đồng thời, căng thẳng
thương mại Mỹ-Trung và những thay đổi trong chính sách phát triển của Trung Quốc
đã khiến các nhà đầu tư tìm kiếm các thị trường thay thế.
Sự tăng cao của chi phí lao động, các quy
định quản lý ngày càng nghiêm ngặt và xu hướng chuyển dịch của Trung Quốc sang
các ngành công nghệ cao là những nguyên nhân chính khiến FDI vào quốc gia này
giảm mạnh.
Việt Nam: Điểm đến mới của FDI
Theo AMRO, tỷ lệ FDI trên GDP của Việt Nam
đã tăng từ 8% trong giai đoạn 2015-2017 lên 19% trong giai đoạn 2021-2023, cao
hơn so với nhiều nước ASEAN khác. Các lĩnh vực sản xuất điện tử và công nghiệp
phụ trợ là những ngành thu hút nhiều FDI nhất, đặc biệt là từ Nhật Bản, Hàn Quốc
và Mỹ.
Số liệu từ báo cáo cho thấy các dự án FDI
mới tại Việt Nam đang ngày càng tăng, chiếm đến hơn 60% giá trị các dự án mới
vào năm 2023. Sự gia tăng này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tạo
điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Dòng vốn FDI góp phần quan trọng vào việc
tạo việc làm, cải thiện cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực công nghệ. Tuy
nhiên, Việt Nam vẫn cần cải thiện hạ tầng giao thông và nâng cao năng lực sản
xuất. Mối quan hệ tương tác giữa FDI và tăng trưởng kinh tế càng trở nên mạnh mẽ
khi Việt Nam có nguồn nhân lực chất lượng và chính sách kinh tế vĩ mô ổn định.
Để tối ưu hóa lợi ích từ FDI, Việt Nam cần có các chính sách cải thiện môi trường
kinh doanh và năng lực quản lý.
Báo cáo của AMRO nhấn mạnh rằng việc tăng
cường chất lượng thể chế kinh tế và phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt
giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các dự án đầu tư dài hạn. Điều này
bao gồm cải cách thủ tục hành chính, giảm thủ tục giấy tờ và đầu tư vào hạ tầng
kỹ thuật số để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư quốc tế.
Báo cáo của AMRO cũng khẳng định rằng
ASEAN đã trở thành điểm đến dẫn đầu trong việc thu hút FDI toàn cầu. Xu hướng
chuyển dịch FDI từ Trung Quốc sang ASEAN mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không
ít thách thức. Để duy trì lợi thế cạnh tranh, Việt Nam cần cải thiện môi trường
đầu tư, tăng cường hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Với
chính sách đúng đắn, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm FDI hàng đầu trong
khu vực, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.