Trong nỗ lực đưa các chương trình giáo dục tiên tiến về Việt Nam, Ngày 3/5 vừa qua, tại Đại học Stanford, Mỹ đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng hợp tác triển khai chương trình giáo dục Công nghệ số, Công nghệ thông tin, STEAM và Media cho học sinh phổ thông Việt Nam giữa Học viện Giáo dục Công nghệ số (DMA) và Tập đoàn đầu tư giáo dục Chuỗi sáng tạo - InnoChain Group Việt Nam.

Theo hợp đồng được ký kết trước sự chứng kiến của đại diện Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại TP. San Francisco, Tập đoàn giáo dục Chuỗi Sáng Tạo - InnoChain Group Việt Nam được toàn quyền triển khai việc giảng dạy và phân phối các chương trình và khóa học về Công nghệ số, Công nghệ Thông tin, STEAM và Media của Học viện Giáo dục Công nghệ số (DMA) trên toàn lãnh thổ Việt Nam kể từ tháng 5/2023.

Bà Lê Tuệ Minh - Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Giáo dục Chuỗi sáng tạo - cho biết: "Trong chương trình mới, Bộ Giáo dục cũng đã đưa vào lĩnh vực giáo dục công nghệ và giáo dục STEAM như là một trong những lĩnh vực bắt buộc. Tuy nhiên, điều kiện thực hiện, triển khai các chương trình này vẫn còn rất là nhiều hạn chế. Chính vì vậy, chúng tôi lựa chọn chương trình DMA như là một giải pháp có thể giải quyết được tất cả những hạn chế, là một công cụ cho các nhà trường, giáo viên và học sinh có thể tiếp cận với giáo dục công nghệ một cách thuận lợi và cập nhật nhất".

Các sản phẩm và dịch vụ giáo dục của Học viện Giáo dục Công nghệ số (DMA) do một mạng lưới toàn cầu gồm hơn 9.000 chuyên gia hàng đầu trong ngành phát triển và thiết kế với giáo trình liên tục được cập nhật, có thể triển khai linh hoạt, đa phương thức.


Giáo sư Andre Nudelman - Trưởng khoa Cao học về Giáo dục, Đại học Stanford - cho rằng: "Mục tiêu của chúng tôi là chuẩn bị cho thế hệ học sinh trẻ những khả năng cần có để nắm bắt được cơ hội trong thị trường lao động mới. Bởi thị trường thay đổi rất nhanh. Vì thế, các em cần được chuẩn bị để nắm bắt cơ hội trước những thay đổi đó".

Sau hơn 20 năm phát triển, hiện đã có gần nửa triệu học sinh và hơn 9.500 giáo viên tại hơn 125 quốc gia trên thế giới đã được tiếp cận và triển khai các chương trình giáo dục của Học viện Giáo dục Công nghệ số (DMA).

Với việc triển khai những chương trình giáo dục như vậy, hy vọng rằng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ sớm có được những thế hệ học sinh, sinh viên được tiếp cận với những chương trình giáo dục, đào tạo hiện đại, cập nhật, đáp ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập của đất nước trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Giáo dục STEAM: là một khái niệm dạy học liên nghành kết hợp giữa nghệ thuật với các môn học STEM truyền thống như: Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học. Qua đó tập trung và nhấn mạnh việc học tập dựa trên thực hành thay vì theo cách giáo dục truyền thống, kiến thức lý thuyết. STEAM là ý tưởng sáng tạo ban đầu của Trường Thiết Kế Rhode Island (Mỹ), sau đó được sử dụng bởi nhiều nhà giáo dục và dần dần lan rộng ra cả Hoa Kỳ. Đây là một phương pháp tiếp cận giáo dục kiểu mới, trong đó Khoa Học, Công Nghệ, Kỹ Thuật, Nghệ Thuật, và Toán Học được sử dụng để giảng dạy và hướng dẫn cho học sinh kết hợp với tư duy sáng tạo và nghệ thuật ứng dụng vào giảng dạy, cùng các tình huống thực tế . STEAM là một sự chuyển đổi từ cách thức giáo dục truyền thống, dựa vào tiêu chuẩn điểm số để đánh giá, với mục đích giúp học sinh hiểu được sự liên quan giữa các khối kiến thức và có thể vận dụng tốt vào thực tế .

Theo PV Lê Minh - VTV