Trong những năm gần đây, để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 hay Net Zero, một lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia, đó là công nghệ thu giữ và lưu trữ khí thải carbon, hay CCS.
Theo báo cáo của Bloomberg, thị trường của lĩnh vực này đã chạm
ngưỡng gần 9 tỷ USD trong năm 2024, và mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15-18% từ
nay tới năm 2030.
Mới đi vào hoạt động khoảng 10 năm, nhưng BKV, một công ty năng lượng
nhỏ tại Mỹ, đã đặt mục tiêu sẽ đạt net zero về phát thải carbon trong thập kỷ tới.
Đầu năm nay, công ty này đã đạt thêm một bước đi nữa nhằm hiện thực hóa tham vọng
này, với việc đi vào vận hành một cơ sở cô lập và lưu trữ khí thải carbon dưới
lòng đất ở phía Bắc bang Texas.
Cơ sở này sẽ thu giữ khí CO2 từ các nhà máy đốt nhiên liệu hóa thạch,
sau đó bơm bằng áp lực cao xuống các tầng địa chất sâu hàng nghìn mét dưới lòng
đất, giúp tách chúng ra khỏi khí quyển trong dài hạn. Không chỉ có lợi cho môi
trường, công nghệ này còn được kỳ vọng sẽ có lợi cho nền kinh tế, giữ cho các
ngành công nghiệp hiện nay không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Bà Lauren Read - Phó Chủ tịch Công ty BKV cho hay: "Chúng ta
cần có những giải pháp thực tế để bảo vệ hoạt động các lĩnh vực quan trọng
trong nền kinh tế. Bởi vậy công nghệ của chúng tôi sẽ rất hiệu quả với ngành
khai thác năng lượng và các ngành công nghiệp nội địa khác của Mỹ".
Bên cạnh công nghệ lưu trữ carbon dưới lòng đất truyền thống, một
số giải pháp CCS kiểu mới cũng đang được phát triển. Tại Anh, một startup mang
tên Cocoon cũng đã đưa ra một công nghệ lưu trữ carbon cho cả ngành công nghiệp
thép và xây dựng, đó là biến đổi phụ phẩm từ lò hồ quang điện thành vật liệu
thay thế xi măng.
Ông Eliot Brooks - Giám đốc điều hành Công ty Cocoon Carbon cho biết:
"Với công nghệ này, chúng tôi sẽ làm nguội nhanh xỉ nóng chảy của lò điện
để tạo ra vật liệu xây dựng. Vật liệu này có thể thay thế 30-50% lượng xi măng
trong bê tông xây dựng với độ cứng tương đương".
Lợi ích của công nghệ này không chỉ ở khả năng thu giữ carbon
trong vật liệu, mà còn ở việc thúc đẩy chuyển đổi công nghệ luyện thép sang lò
điện có mức phát thải thấp hơn, và giảm phát thải ở ngành sản xuất xi măng.
Dù đã có những bước phát triển, công nghệ lưu trữ carbon vẫn còn
nhiều vấn đề đang được quan tâm, như công suất hiện vẫn ở mức thấp, hay nguy cơ
khí thải carbon có thể rò rỉ trở lại khí quyển. Tuy nhiên, các nhà phát triển vẫn
kỳ vọng ở tiềm năng của công nghệ này với quá trình chuyển đổi sang năng lượng
xanh và các công nghệ không phát thải trong những năm tới.
Theo TB VTV