Thực hiện chương trình cải tạo, chỉnh trang văn minh đô thị, kết hợp với việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa cổ xưa, quận Ba Đình (Hà Nội) vừa cải tạo, phục dựng hình ảnh giếng làng ở Tổ dân phố 3C phường Liễu Giai (ngõ 67 Văn Cao).

Theo UBND quận Ba Đình, trong lịch sử, quận Ba Đình nằm ở phía tây Kinh thành Thăng Long. Trên địa bàn có nhiều công trình, di tích lịch sử, văn hoá được bảo tồn, gìn giữ, trong đó, nhiều nơi có các thiết chế văn hoá làng, xã như cổng làng, cây đa, giếng nước, ngôi đình...


Theo tìm hiểu giếng làng ở tổ dân phố 3C (ngõ 67 Văn Cao) xưa thuộc trại Thái Hóa, trước đây, giếng làng khá lớn, đủ cho vài chục người dân lấy nước sử dụng.

"Giếng làng ở Tổ dân phố 3C phường Liễu Giai (ngõ 67 Văn Cao) vừa được đầu tư, tạo dựng lại từ chút mảnh ghép còn sót lại của giếng làng xưa. Trước đây, giếng làng khá lớn, đủ cho vài chục người dân lấy nước hằng ngày, hiện chỉ còn một khoảng nhỏ - tương đương với giếng nhà", đại diện lãnh đạo UBND quận Ba Đình cho hay.


Theo ghi nhận của PV, từ chiếc giếng làng, quận Ba Đình đã cải tạo nền đôn lên khoảng 70 - 80cm, tạo hình vòng tròn giống như một chiếc giếng. Phần giữa giếng được lát gạch màu xanh giống màu của nước. Phần miệng giếng còn sót lại được che bằng nắp giếng màu nâu.

Quanh khu vực giếng được bố trí nhiều đồ dùng tập thể dục, ghế ngồi để phục vụ nhu cầu của người dân.

Sau khi được cải tạo, khu vực tập thể dục khang trang được nhiều người dân lựa chọn tập luyện. Ở giữa khu vui chơi được xây vòng cung tròn bao quanh, làm chỗ ngồi cho người dân.


Để tạo không gian xanh mát, UBND quận Ba Đình cho trồng thêm nhiều cây xanh.


Phần giả mái của bức tường được thiết kế giống với những mái đình xưa, giúp thế hệ trẻ hình dung được hình ảnh làng quê Việt Nam.

Thông qua công trình, UBND quận Ba Đình mong muốn giới trẻ thấy được những hình ảnh văn hóa làng xã thời xa xưa, góp phần tạo dựng ý thức gìn giữ, bảo vệ các giá trị văn hoá.


Các em nhỏ thường xuyên được người thân đưa ra khu vực giếng làng để vui chơi.

BĐĐK