Thế giới đã bước sang năm 2024, một năm được dự báo sẽ chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của điện toán đám mây - một xu hướng công nghệ dẫn dắt toàn cầu.

Đối với nhiều người, điện toán đám mây có thể là một khái niệm kỹ thuật xa vời nhưng thực tế lại là những thứ mà chúng ta vẫn đang sử dụng hàng ngày, hàng giờ như thư điện tử, ảnh trên nền tảng mạng xã hội Facebook, Instagram, Zalo…, các video trên YouTube, TikTok…. Phần lớn các nền tảng và các dịch vụ được sử dụng phổ biến hiện nay đều đang vận hành trên cơ sở sử dụng công nghệ điện toán đám mây.

Tiềm năng của điện toán đám mây “Make in Viet Nam”

Không chỉ trên toàn thế giới mà ngay ở Việt Nam, điện toán đám mây "Make in Viet Nam" cũng có rất nhiều tiềm năng.

Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 thị trường mới nổi trên thị trường trung tâm dữ liệu điện toán đám mây. Theo báo cáo cuối năm ngoái 2023 của Research and Markets, quy mô thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ là 10,68% trong giai đoạn 2022 - 2028. Năm 2023, giá trị toàn thị trường trong nước ước đạt 620 triệu USD, dự kiến tăng lên 1.037 tỷ USD vào năm 2028.

Dự báo chỉ 1 năm nữa, sẽ có khoảng 100 nghìn tỷ gigabyte dữ liệu được lưu trữ trên đám mây, tương đương một nửa tổng dung lượng lưu trữ dữ liệu toàn cầu. Do đó, đầu tư vào các Trung tâm dữ liệu (Data Center), hay còn được mệnh danh là "trái tim của Internet", là một loại đầu tư mới của các nhà mạng viễn thông. Nếu không đầu tư vào đây, các nhà mạng viễn thông không có không gian tăng trưởng mới và sẽ bị thay thế.

Tại Việt Nam, hiện có 5 nền tảng điện toán đám mây Make in Viet Nam đáp ứng các tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử.

Vấn đề bảo mật dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây

Bên cạnh rất nhiều ưu thế mà điện toán đám mây mang lại, công nghệ này cũng đặt ra những thách thức, trong đó có vấn đề bảo mật và quyền riêng tư của các dữ liệu được lưu trữ trên đám mây.


Đám mây thường được coi là một khái niệm khó nắm bắt - vô hình và bằng cách nào đó, giữ tất cả dữ liệu của chúng ta an toàn ở một nơi rất xa. Vấn đề mất hay rò rỉ dữ liệu chính là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ khi chuyển dữ liệu lên "đám mây".

Với ưu điểm dễ truy cập, người dùng có thể truy cập dữ liệu đám mây mọi nơi, mọi lúc và cung cấp quyền truy cập rất nhiều người. Nếu không quản lý chặt chẽ quyền truy cập, quản lý danh tính thì rất dễ trở thành điểm yếu để tin tặc khai thác tấn công, từ đó dẫn đến nguy cơ bị mất dữ liệu. Sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng nếu đó là những dữ liệu về tài chính ngân hàng, thương mại điện tử, hành chính công...

Rủi ro an ninh mạng trong điện toán đám mây còn trở nên phức tạp hơn khi các tổ chức muốn sử dụng nhiều nhà cùng cấp dịch vụ đám mây để đáp ứng các nhu cầu hoạt động. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nguồn nhân lực vận hành hệ thông có trình độ cao, hạn chế về ngân sách, quyền riêng tư dữ liệu và khả năng ứng phó khẩn cấp khi có sự cố… cũng là rào cản khi áp dúng công nghệ điện toán đám mây tại các công ty và doanh nghiệp.

Hiện 80% dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam là của những nhà cung cấp nước ngoài, đơn vị trong nước chỉ cung cấp 20%. Nhưng do các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chưa thiết lập hạ tầng tại Việt Nam, đây cũng là một khó khăn thách thức trong bảo mật dữ liệu nếu không đáp ứng Luật An ninh mạng Việt Nam.

Ứng dụng hiệu quả công nghệ điện toán đám mây

Nếu biết tận dụng lợi thế là tính ưu việt của điện toán đám mây, hoàn toàn có dẫn đầu xu hướng. Và dịch chuyển lên đám mây hiện là xu hướng tất yếu.

Nếu doanh nghiệp mong muốn triển khai dự án trong thời gian ngắn nhất hoặc lưu trữ, sao lưu mà không phải đầu tư chi phí vào hạ tầng vật lý quá nhiều thì nền tảng đám mây chính là lựa chọn tốt nhất. Công nghệ điện toán đám mây có thể giúp giải nhiều "bài toán khó" trong rất nhiều những lĩnh vực của cuộc sống.

Chiến lược "dịch chuyển lên mây" được coi là quan trọng để giúp doanh nghiệp trụ vững và phát triển trong nền kinh tế số tại Việt Nam. Đó cũng là nội dung quan trọng trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Năm 2024 là một năm bản lề, là cơ hội lớn cho "ngành" trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây Việt Nam tăng tốc và bứt phá để từ đó, nền tảng số, điện toán đám mây Make in Viet Nam sẽ là một lựa chọn chiếm ưu thế đối với người dùng trong nước.

Theo VTV