Phân kỳ đầu tư phải đảm bảo quy hoạch

Hội đồng thẩm định liên ngành vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Trị về kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) dự án thành phần 2 - xây dựng cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư.


Phối cảnh dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Quảng Trị.

Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ký đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo rà soát báo cáo FS dự án đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và định hướng xây dựng Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và các quy định, quy hoạch có liên quan.

Tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, CHK Quảng Trị được quy hoạch đến năm 2030 là CHK quốc nội có quy mô cấp 4C, công suất thiết kế dự kiến đạt 1 triệu khách/năm. Định hướng đến 2050, công suất thiết kế dự kiến khoảng 2 triệu khách.

Do đó, hội đồng đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị lưu ý bảo đảm tiến độ thực hiện dự án với quy mô, công suất theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời cập nhật, làm rõ sự phù hợp của dự án với Quy hoạch CHK Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030, đặc biệt là phương án phân kỳ đầu tư dự án.

Phương án phân kỳ đầu tư các công trình, hạng mục phải đảm bảo đúng quy hoạch, chủ trương đầu tư được duyệt, đúng quy chuẩn, yêu cầu về kỹ thuật, an toàn trong quá trình đầu tư, xây dựng, vận hành, khai thác... và có sự đồng thuận của cơ quan quản lý về xây dựng, chuyên ngành hàng không, sân bay.

UBND tỉnh Quảng Trị cũng được đề nghị chỉ đạo tư vấn rà soát kỹ các chi phí phát sinh từ việc phân kỳ đầu tư đảm bảo tính hiệu quả, khả thi và không gây lãng phí; Đảm bảo tính liên tục trong quá trình vận hành, khai thác và các yêu cầu pháp lý liên quan việc thi tuyển kiến trúc nhà ga hành khách trong trường hợp phân kỳ đầu tư, đặc biệt với công trình nhà ga hành khách, cầu cạn, mở rộng, hoàn thiện đường cất hạ cánh, đường lăn...

Đặc biệt, yêu cầu nhà đầu tư lựa chọn công nghệ, thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại trong dự án đảm bảo chất lượng, đồng bộ, an toàn, tiện nghi cho hành khách trong quá trình vận hành, khai thác CHK.

So sánh các phương thức đầu tư để đánh giá toàn diện

Đáng chú ý, Hội đồng thẩm định liên ngành cho rằng, cần nhìn nhận những hạn chế của việc lựa chọn đầu tư dự án theo phương thức PPP so với các phương thức đầu tư khác để có đánh giá toàn diện hơn.

Cụ thể, báo cáo FS dự án đã nêu rõ các khoản thu của dự án gồm: thu phục vụ hành khách; thu soi chiếu an ninh hành khách, hành lý, hàng hóa; dịch vụ cất hạ cánh tàu bay; dịch vụ phí hàng không trong nhà ga; phục vụ kỹ thuật mặt đất; cho thuê cầu dẫn khách; tra nạp xăng dầu...

Báo cáo cũng nêu phương pháp tính toán và dự kiến sản lượng khai thác từ năm 2026 đến năm 2073. Trong đó sản lượng năm đầu tiên khai thác (2026) dự kiến đạt hơn 243 nghìn khách; năm 2073 dự kiến đạt khoảng 6 triệu khách.

Tuy nhiên, hội đồng đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu đơn vị chuẩn bị dự án và tư vấn làm rõ cơ sở đánh giá tính phù hợp các nguồn thu và khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư.

Liên quan tới thời gian hoàn vốn và thời hạn hợp đồng dự án, tại Quyết định số 2148 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn dự án là 47 năm 4 tháng. Tuy nhiên, tại báo cáo NCKT dự án sau giải trình, con số dự kiến là 47 năm 3 tháng. Từ đây, UBND tỉnh Quảng Trị được đề nghị làm rõ thêm cơ sở và các phương án tính toán cụ thể về thời gian hoàn vốn của dự án.

Đặc biệt, hội đồng cũng cho rằng, thời gian hợp đồng BOT 49 năm 3 tháng của dự án là khá dài so với các dự án khác thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Do đó, tỉnh Quảng Trị cần tổ chức các hoạt động tham vấn các tổ chức tín dụng, ngân hàng về nội dung này, bổ sung các tài liệu nghiên cứu và số liệu thực tiễn theo thông lệ quốc tế để đảm bảo tính khả thi của thời gian hợp đồng được đề xuất.

Ngoài ra, địa phương này cũng được đề nghị nghiên cứu các cơ chế, kế hoạch hành động cụ thể nhằm thúc tiến độ, hỗ trợ đầu tư, vận hành của CHK Quảng Trị nhằm tăng cường nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa, đảm bảo hiệu quả đầu tư, tính khả thi cho dự án.

Đặc biệt, hội đồng cho rằng trong bối cảnh sử dụng số liệu dự báo lưu lượng hành khách ở kịch cao nhất cho thấy dự án có tính khả thi về mặt lý thuyết nhưng độ rủi ro cao. Do đó, UBND tỉnh Quảng Trị được đề nghị đặc biệt lưu ý nội dung này để chỉ đạo đơn vị chuẩn bị dự án và tư vấn nghiên cứu, đề xuất phương án khả thi.

Dự án thành phần 2 - Xây dựng cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị do Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đề xuất là nhà đầu tư. Địa điểm đề xuất thực hiện dự án tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Dự án được đề xuất phân kỳ theo hai giai đoạn. Trong đó, tới năm 2026, sẽ xây dựng các công trình cơ bản của CHK Quảng Trị đáp ứng khai thác khoảng 500.000 hành khách/năm.

Sau năm 2026, sẽ xây dựng công trình khu bay vào các năm 2029, 2043 và 2050 đảm bảo khai thác. Đồng thời, đầu tư hạ tầng khu phục vụ mặt đất tại càng hàng không và nhà điều hình cảng hàng không vào năm 2029, cũng như xây dựng mở rộng ra hành khách đáp ứng công suất khai thác đến 2,2 triệu hành khách/năm.

Cùng đó, mở rộng nhà ga hành khách và sân đỗ ô tô trước ga vào năm 2047 đảm bảo khai thác đến 50 triệu hành khách...

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.821,1 tỷ đồng (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) với thời gian hoàn vốn dự kiến 47 năm 3 tháng và thời gian thực hiện dự án 50 năm.