Cụ thể, khảo sát nhân khẩu học tính đến ngày 1-10-2023 ghi nhận, dân số Nhật Bản - bao gồm cả người nước ngoài sinh sống trên lãnh thổ nước này - là 124.352.000 người, giảm 0,48% so với một năm trước đó.

Theo Bộ Nội vụ và truyền thông Nhật Bản, lao động và sinh viên nước ngoài đã ở Nhật Bản hơn 90 ngày sẽ được tính vào tổng số dân số.

Trên cơ sở đó, số lượng người Nhật được ghi nhận là 121.193.000, giảm 837.000 người so với 1 năm trước đó, là mức giảm lớn nhất kể từ khi dữ liệu này được thu thập vào năm 1950. Dân số nước ngoài cứ trú tại Nhật Bản đã tăng từ 243.000 lên khoảng 3,16 triệu người.

Các hộ gia đình độc thân được dự báo sẽ chiếm 44,3% trong số 52,61 triệu hộ gia đình ở Nhật Bản vào năm 2050, với gần một nửa trong số đó (khoảng 46.5%) là những người từ 65 tuổi trở lên. Mức này cao hơn nhiều so với ngưỡng 38% ghi nhận vào năm 2020.

Số người trung bình sống trong một hộ gia đình dự kiến sẽ giảm từ 2,21 vào năm 2020 xuống còn 1,99 vào năm 2033 và 1,92 vào năm 2050.

Trong số những người cao tuổi sống một mình vào năm 2050, có 59,7% nam giới và 30,2% phụ nữ được dự đoán là chưa bao giờ kết hôn, tăng từ 33,7% và 11,9% vào năm 2020. Dân số từ 75 tuổi trở lên đã tăng từ 713.000 lên khoảng 20,08 triệu người, là lần đầu tiên vượt mốc 20 triệu người.

Theo các chuyên gia, xu hướng dân số đáng ngại nói trên đồng nghĩa, chính quyền trung ương và địa phương Nhật Bản cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ người cao tuổi trong các lĩnh vực như chăm sóc điều dưỡng.

Cũng theo số liệu công bố, số người Nhật Bản trong độ tuổi từ 0 đến 14 đã giảm 329.000 người, xuống còn khoảng 14,17 triệu người, chiếm 11,4% tổng dân số, thấp nhất từ trước đến nay. Những người trong độ tuổi từ 15 đến 64 giảm 256.000 xuống còn khoảng 73,95 triệu người, chiếm 59,5% tổng dân số.

Trong lần khảo sát này, chỉ có Tokyo gia tăng dân số trong 47 tỉnh, thành của Nhật Bản, là năm tăng thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, các ý kiến phân tích cho rằng, việc tăng dân số của khu vực này chủ yếu do người lao động đổ xô tới thủ đô tìm kiếm việc làm.

HNM