Tập trung nguồn lực cho “đại công trình”

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm;

Đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 và những tháng cuối năm 2023. Trong đó, có nhiệm vụ quan trọng là “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam”.

Trước đó, liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị trực tuyến nghe báo cáo về mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp của chương trình giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Thủ tướng cho biết, phát triển văn hóa - con người Việt Nam là nội dung được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Theo Phó Thủ tướng, để bảo đảm văn hóa phát triển cùng với kinh tế, xã hội, môi trường… chúng ta cần xem xét lại quá trình bảo tồn, bảo vệ, phát triển, phát huy các giá trị, tầm quan trọng của văn hóa. Trong thời gian tới cần làm gì để quan tâm thực chất, đúng mức, đúng tầm đối với văn hóa?

Theo báo cáo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, việc xây dựng và triển khai chương trình nhằm góp phần đưa các nghị quyết, định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam của Đảng vào cuộc sống; đáp ứng đúng, kịp thời yêu cầu xây dựng - bảo vệ và phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới.

Đồng thời, tạo bước phát triển cho sự nghiệp khoa học liên ngành nghiên cứu văn hóa và con người, xây dựng luận cứ khoa học vững chắc, đáng tin cậy cho sự nghiệp phát triển bền vững văn hóa - con người Việt Nam.

Nội dung trọng tâm của chương trình liên quan đến 9 nhóm dự án: Phát triển nhân cách văn hóa con người Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật; phát triển công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thống nhất cao nội dung đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Đồng thời, đề nghị xem đây là “đại công trình”, tập trung mọi nguồn lực thực hiện góp phần phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.

Chấn hưng văn hóa phải từ giáo dục

Vào tháng 2/2023, tại Hội thảo khoa học “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam”, báo cáo chỉ ra rằng thông qua chiến lược phát triển văn hóa, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt nhiều kết quả.

Hiện, nước ta có 3.602 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể và 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, 469 di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bên cạnh đó là đội ngũ văn nghệ sĩ hùng mạnh, phát huy được vai trò quan trọng trong việc tham gia phát triển văn hóa: 131 nghệ nhân nhân dân, 1.619 nghệ nhân ưu tú, 452 nghệ sĩ nhân dân, 2.623 nghệ sĩ ưu tú, 136 tác phẩm, cụm tác phẩm về văn học nghệ thuật được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, 669 tác phẩm, cụm tác phẩm được trao tặng giải thưởng Nhà nước.

 

Việt Nam cũng giành nhiều giải thưởng quốc tế danh giá: Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á (2019, 2020); điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á (2019, 2020); điểm đến di sản hàng đầu thế giới (2020)…

Tuy nhiên, để Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đi vào cuộc sống, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh dự thảo chương trình phải được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực hiện các chương trình mục tiêu, chiến lược, quy hoạch có liên quan đến văn hóa, những gì làm được và chưa làm được.

Đồng thời tập trung vào nội hàm của các khái niệm: Văn hóa, con người, chấn hưng, phát triển. Trong đó, làm rõ mối quan hệ mật thiết giữa văn hóa và con người, xác định những giá trị mới, những gì cần đổi mới để phát triển văn hóa…

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn và phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc…

Trong phiên bế mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, đại diện lãnh đạo Chính phủ cũng khẳng định: Cần kiên trì chấn hưng văn hóa và phải bắt đầu từ giáo dục.

Theo giới chuyên gia, giáo dục là thực hành việc trao truyền, bày dạy kiến thức và phương cách, tạo cảm hứng sáng tạo từ thế hệ này sang thế thế hệ khác cái tổng thể của văn hóa. Giáo dục có mối quan hệ sứ mạng, công năng với văn hóa. Người thầy tốt là người trao truyền tốt và truyền cảm hứng sáng tạo cho lớp sau.

Bởi vậy, “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam” không thể tách rời nhiệm vụ giáo dục, cũng như vai trò của người thầy trong việc xây dựng và phát triển “đại công trình” văn hóa Việt Nam.

“Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, một số mục tiêu lớn mang tính cấp bách, ưu tiên trong chương trình là bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo di sản, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đang bị suy giảm, xuống cấp nghiêm trọng, có thể mất đi. Bên cạnh đó là xây dựng môi trường văn hóa gồm: Sản phẩm và hoạt động văn hóa thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hoá, ứng xử văn hóa, nếp sống văn hóa nơi công cộng, tại cơ quan, gia đình, nhà trường; phát triển các không gian sáng tạo, công nghiệp văn hóa”.

GDTĐ