Tại Hội nghị & Triển lãm Robot thường niên vừa diễn ra tại Boston, Mỹ, một trong những sản phẩm gây ấn tượng mạnh nhất là G1, một robot hình người đến từ công ty Unitree của Trung Quốc, với những khả năng như đứng dậy từ tư thế nằm ngửa và giao tiếp một cách tự nhiên với khách tham quan. Tuy nhiên, các mức thuế quan gần đây của Mỹ cũng đang khiến Unitree phải lo lắng.

Ông Tony Yang - Giám đốc khu vực, Công ty Unitree Robotics cho biết: "Chúng tôi có rất nhiều khách hàng ở Mỹ, và rõ ràng thuế quan đã tác động lớn đến hoạt động kinh doanh. Trước đó, chi phí nhập khẩu vào Mỹ khoảng 20.000 USD, nhưng bây giờ đã tăng gấp đôi, lên tới 40.000 USD".

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang có những bước tiến đáng kể phát triển robot hình người, nhờ vào sự dồi dào của đội ngũ nhân tài công nghệ và những chính sách hỗ trợ của giới chức nước này.

Ông Steve Crowe - Chủ tịch Hội nghị & Triển lãm Robot Boston cho hay: "Trong khoảng 1 thập kỷ qua, Trung Quốc rõ ràng là quốc gia dẫn đầu về lĩnh vực robot hình người, họ đã đào tạo được số lượng kỹ sư robot lớn hơn hẳn so với Mỹ. Đồng thời những chính sách hỗ trợ giúp các startup về robot có thể có điều kiện phát triển mà chưa gặp áp lực sinh lời ngay từ đầu".

Tuy nhiên, với những mức thuế quan mới mà Mỹ áp với hàng hóa từ Trung Quốc, sự phát triển của các công ty như Unitree có thể gặp những thách thức đáng kể. Ở chiều ngược lại, các công ty Mỹ cũng đang nỗ lực tăng tốc trong cuộc đua. Dù vậy, thuế quan không phải là sẽ không có những tác động nhất định với doanh nghiệp Mỹ.

"Dù Mỹ cũng có những công ty xuất sắc, Trung Quốc đã phát triển nhiều tính năng đi đầu so với thế giới ở lĩnh vực này. Nếu không thể sớm giảm bớt các căng thẳng thương mại, doanh nghiệp Mỹ có thể lỡ cơ hội tiếp cận những công nghệ và nhân sự hàng đầu của ngành công nghiệp robot", chị Maisie-Jayne Byrom, Chuyên gia nhân sự lĩnh vực robot và A.I chia sẻ.

Các căng thẳng thương mại được cho sẽ khiến các nhân sự có chuyên môn cao dè dặt hơn trong việc làm việc ở nước ngoài, khiến các công ty robot khó thu hút nhân tài quốc tế hơn. Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng, trong dài hạn, những hoạt động dịch chuyển sản xuất và biến động chuỗi cung ứng sẽ tạo ra nhu cầu lớn hơn cho các doanh nghiệp robot khi nguồn nhân lực sản xuất chưa theo kịp nhu cầu - nhưng điều này sẽ còn nhiều thời gian để có thể phát huy hiệu quả.

Theo TB VTV