Silicon Valley Bank (SVB), một trong những
nhà băng cho vay nổi bật nhất trong thế giới khởi nghiệp (start-up) công nghệ ở
Thung lũng Silicon, đã phá sản ngày 10/3 sau khi ngân hàng thất bại trong nỗ lực
huy động vốn. Đây là vụ ngân hàng phá sản lớn nhất tại Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng
tài chính năm 2008, và là vụ lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ.
Diễn biến này đã làm rõ nét thêm những
thách thức đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như những khó khăn giới
khởi nghiệp nước này đang phải đối mặt. Chứng khoán Mỹ giảm mạnh khi các sàn
giao dịch đóng cửa và lợi tức trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ kéo dài đà trượt dốc
hôm 10.3 do lo ngại về những bất ổn đang lây lan trong lĩnh vực tài chính -
ngân hàng, theo Reuters.
Cú sốc với các start-up
Sự sụp đổ của SVB, ngân hàng lớn thứ 16 tại
Mỹ, đã làm rung chuyển giới khởi nghiệp vốn đã đứng bên bờ vực ở nước này, theo
báo The New York Times (NYT). Bị tổn thương bởi tình trạng lãi suất liên tục
tăng và nền kinh tế sa sút trong năm qua, nguồn tiền cho các công ty khởi nghiệp
- vốn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi lãi suất thấp trong nhiều năm - đã bị thu hẹp,
khiến nhiều công ty non trẻ buộc phải sa thải hàng loạt, cắt giảm chi phí và giảm
định giá. Đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Mỹ đã giảm 31% trong năm ngoái
xuống còn 238 tỉ USD, theo PitchBook.
Trong bối cảnh đó, việc SVB phá sản đặc biệt
đáng lo ngại vì ngân hàng mô tả mình là "đối tác tài chính của nền kinh tế
đổi mới". Theo website của SVB, ngân hàng ra đời vào năm 1983 và có trụ sở
tại Santa Clara (thuộc bang California), tham gia sâu vào hệ sinh thái công nghệ,
cung cấp dịch vụ ngân hàng cho gần một nửa số công ty công nghệ và khoa học đời
sống được hỗ trợ bởi vốn mạo hiểm tại Mỹ.
SVB cũng là ngân hàng của hơn 2.500 công
ty đầu tư mạo hiểm, bao gồm Lightspeed, Bain Capital và Insight Partners. Ngân
hàng quản lý tài sản cá nhân của nhiều quản lý cấp cao trong các công ty công
nghệ và là nhà tài trợ đầu bảng cho các hội thảo công nghệ, dạ tiệc cũng như
các đơn vị truyền thông ở Thung lũng Silicon.
Hôm 10.3, Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên
bang (FDIC), một cơ quan quản lý độc lập của chính phủ Mỹ, đã nắm quyền kiểm
soát 175 tỉ USD tiền gửi của khách hàng tại SVB. Các khoản tiền gửi lên tới 250.000
USD được bảo hiểm bởi cơ quan quản lý. Còn với các khoản cao hơn mức đó, khách
hàng không nhận được thông tin về thời điểm họ có thể tiếp cận với tiền của
mình.
Tình thế sống còn
Điều đó khiến nhiều khách hàng của SVB rơi
vào tình thế lao đao, lo lắng về việc làm sao để trả lương cho nhân viên cũng
như thanh toán các hóa đơn. Haseeb Qureshi, nhà đầu tư tại Dragonfly, một công
ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào tiền điện tử, cho biết công ty của ông đang tư
vấn cho một số start-up có vốn liên kết với SVB. "Điều đầu tiên bạn nghĩ đến
là sự sống còn. Đó là một khoảnh khắc đau khổ đối với rất nhiều người",
ông nói.
Josh Butler, Giám đốc điều hành của
CompScience - một start-up chuyên về phân tích an toàn tại nơi làm việc, cho biết
ông đã không thể rút tiền của công ty tại SVB trước khi ngân hàng sụp đổ.
CompScience đang tạm dừng chi tiêu cho tiếp thị, bán hàng và tuyển dụng cho đến
khi công ty giải quyết được những mối quan tâm cấp bách hơn như trả lương.
"Câu hỏi lớn là bao lâu nữa chúng ta
mới có thể tiếp cận phần còn lại của nguồn tiền, nếu tiếp cận được thì là bao
nhiêu. Chuyện đó cực kỳ đáng sợ", ông nói và đồng thời cho biết chưa bao
giờ nghĩ SVB sẽ phá sản. Hiện tại, ông đã bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc khủng
hoảng lớn.
Vấn đề thực sự đằng sau vụ phá sản ?
Theo phân tích của cây bút kinh doanh kỳ cựu
Peter Coy trên NYT, vấn đề thực sự đối với các ngân hàng - không chỉ SVB -
không phải là mức lãi suất cao hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mà là tốc
độ tăng nhanh của nó.
Giới hạn cao nhất cho mục tiêu tăng lãi suất
của Fed đã tăng từ 0,25% một năm trước lên 4,75% hiện nay và hầu hết các nhà dự
báo đều cho rằng Fed sẽ tăng thêm 0,5 hoặc 0,75 điểm phần trăm trong những
tháng tới. Tốc độ này sánh ngang với đợt tăng lãi suất bùng nổ của Fed từ năm
1979 - 1981 cũng nhằm mục đích kiềm chế lạm phát.
Vì vậy, các ngân hàng đang phải trả nhiều
tiền hơn để vay nhưng không thể tăng lợi suất trên tài sản của họ. Họ có thể
tính phí cao hơn đối với các khoản vay mới, nhưng đối với số lượng lớn các khoản
vay mà họ đã cung cấp trong quá khứ, họ vẫn phải duy trì mức lãi suất thấp.
SVB đặc biệt dễ tổn thương hơn vì hầu hết
khoản cho vay của họ là trong lĩnh vực công nghệ đang gặp khó khăn. Một lý do
khác là họ phụ thuộc nhiều vào khách hàng tổ chức hơn là khách hàng cá nhân.
Khách hàng tổ chức thường có xu hướng quyết định nhanh chóng trong việc rút tiền
từ các ngân hàng.
TN