Việt Nam dường như đã trở thành tâm điểm chú ý của các nhà sản xuất trên khắp thế giới kể từ sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dưới thời tổng thống Donald Trump và những thành công bước đầu của cuộc chiến chống dịch Covid-19. Rất nhiều tập đoàn lớn đã có kế hoạch tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam để chuẩn bị cho các kế hoạch sản xuất của mình sau khi đại dịch có dấu hiệu tạm lắng.

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh và tập đoàn Amkor Technology (Amkor) vừa tổ chức lễ ký kết thoả thuận phát triển dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại khu công nghiệp Yên Phong II-C, Dự án có tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỷ USD với diện tích khoảng 23 ha. Trong đó, giai đoạn đầu của dự án đầu tư khoảng 520 triệu USD và sẽ giải ngân trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.


Amkor Technology được sáng lập bởi ông James J. Kim (Joo-Jin Kim là con trai của Hyang-Soo Kim nhà sáng lập ANAM Industries Hàn Quốc), công ty Amkor Electronics, Inc. được thành lập vào tháng 4 năm 1968 (Amkor Technology, Inc. hiện tại) và mở văn phòng kinh doanh của công ty đóng gói bán dẫn tại Philadelphia. Tập đoàn này cung cấp dịch vụ kiểm tra và đóng gói sản phẩm bán dẫn, và chuyển trụ sở chính về Chandler, AZ từ West Chester, PA từ năm 2005.


Amkor đang là tập đoàn hàng đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn, có mặt tại 11 quốc gia, với 18 nhà máy, tổng diện tích mặt bằng khoảng 1.061.000 m2 và là đối tác của nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Qualcomm, Broadcom, NVIDIA, Samsung, SK Hynix, Foxconn, Luxshare, GoerTek, LG... Chỉ tính riêng trong báo cáo quý I/2021, Amkor ghi nhận doanh thu kỷ lục 1,33 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chip toàn cầu, đẩy giá chip bán dẫn tăng vọt. 

Cơ hội trong nguy cơ?

Việc Amkor đầu tư vào dự án mở tại Bắc Ninh được cho là một tín hiệu lạc quan cho ngành công nghiệp sản xuất chất bán tại Việt Nam trong bối cảnh cả thế giới đang lâm vào một cuộc khủng hoảng thiếu hụt chíp bán dẫn chưa từng có trong lịch sử khiến nhiều hãng sản xuất từ ô tô đến điện thoại thông minh phải cắt giảm hoặc thay đổi kế hoạch sản xuất.

Kế hoạch đầu tư nhà máy của Amkor có thể được cho là chiến lược của tập đoàn này nhằm mở rộng thêm tập khách hàng tận dụng cơ hội từ khủng hoảng.

Thực tế, trong nhiều năm qua đã có nhiều đại gia nước ngoài đổ tiền đầu tư vào lĩnh vực điện tử vi mạch tại Việt Nam. Điển hình như Intel, Jabil, Sonion, Datalogic, GES... ở Tp.HCM. Hay các tập đoàn Microchip, Renesas, Applied Micro (AMCC), Marvell, Arrive Technologies, eSilicon, Sigma Designs, Uniquify... chuyên về gia công thiết kế các sản phẩm vi mạch và phần mềm nhúng. Sở dĩ các Ông lớn trong ngành liên tục đổ tiền đầu tư là bởi ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển, sự gia tăng lượng tiêu thụ các sản phẩm smartphone, máy tính bảng, truyền hình kỹ thuật số, thiết bị điện tử tự động cho thấy tiềm năng của lĩnh vực này khi Việt Nam thu hút ngày một nhiều các tập đoàn sản xuất trong và ngoài nước mà chất bán dẫn là một trong những nguyên vật liệu chính để tạo ra các sản phẩm kể trên.

Ngoài ra những chính sách ưu tiên để phát triển các ngành sản xuất công nghiệp trong đó có công nghiệp chất bán dẫn cũng nhận được sự quan tâm từ phía chính phủ chính là một điểm cộng trong mắt nhiều nhà đầu tư quốc tế khi lựa chọn Việt Nam.

Dự án của Amkor sẽ là nhà máy thông minh, hiện đại tại tỉnh Bắc Ninh. Dự kiến khởi công giai đoạn đầu vào quý I/2022, dự án sẽ tập trung vào việc cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra Hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các Công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới.

Chia sẻ tại buổi lễ ký kết thỏa thuận, ông JONGRIP JI, Chủ tịch Công ty Amkor nhấn mạnh, qua tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh, ông rất ấn tượng bởi sự siêng năng, đam mê nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm cao, ham học hỏi và bản lĩnh, sự cần cù, linh hoạt của con người Bắc Ninh. Đặc biệt sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cùng với cơ sở vật chất hạ tầng hiện đại, nguồn nhân lực dồi dào là nền tảng để Công ty lựa chọn đầu tư tại tỉnh.

Ông JONGRIP JI cam kết nỗ lực hết mình để tạo nên thành công của ngành công nghiệp bán dẫn tại tỉnh Bắc Ninh bằng việc xây dựng thành công nhà máy Amkor tại KCN Yên Phong II-C; đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ Việt Nam cũng như tỉnh Bắc Ninh trong suốt giai đoạn đầu tư, để dự án phát triển ổn định, sản xuất lâu dài tại tỉnh.

Cũng tại Lễ ký kết, Công ty Amkor đã ký hợp đồng nguyên tắc thuê đất với Tổng Công ty Viglacera, chủ đầu tư hạ tầng KCN Yên Phong.

T/h