Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi sau COVID-19 nhanh nhất thế giới. Cùng với đó, hệ thống sân bay trong nước đang được mở rộng.

Tốc độ tăng trưởng máy bay ở khu vực Đông Nam Á dự báo sẽ gấp đôi chỉ sau 10 năm tới, tức sẽ cần khoảng 60.000 nhân viên kỹ thuật. Tại hội thảo "Đào tạo và nhu cầu nhân lực ngành Kỹ thuật Hàng không tại Việt Nam" được tổ chức mới đây, đại diện Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho biết, mỗi năm cần tuyển khoảng 100 kỹ sư.

Đối với thị trường Đông Nam Á, trong 20 năm tới cần bổ sung 60.000 nhân viên kỹ thuật vì từ nay đến thời gian đó, số lượng máy bay tăng gấp đôi. Do đó, nhu cầu bảo dưỡng tày bay rất lớn. Đối với thị trường Việt Nam, các hãng hàng không đều đang mở rộng công việc kinh doanh của mình, tìm kiếm, bổ sung nhân lực, ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, cho biết.

Việt Nam hiện có khoảng 5 trường đại học đào tạo về kỹ thuật hàng không. Chi phí học ngành này khá cao. Tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, mức học phí là 100 triệu đồng một năm. Khóa học kéo dài trong 3 năm. Sinh viên sẽ lựa chọn sang Pháp để học thêm một năm hoặc đi làm việc luôn. Mức lương trung bình từ 10 - 40 triệu/một tháng, phụ thuộc vào năng lực của mỗi người.

"Công việc liên quan đến kỹ thuật máy bay là rất rộng, như bảo dưỡng tàu bay, sửa chữa, tư vấn bảo trì máy bay, sản xuất phụ tùng, dịch vụ hàng không... Cùng với việc đầu tư các trung tâm thực hành, chúng tôi sẽ kết nối chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp để tìm kiếm những cơ hội việc làm có chất lượng cho sinh viên", Giáo sư Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, thông tin.

Việt Nam hiện rất cần nguồn nhân lực cho việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây mới sân bay Long Thành. Ngoài các hãng hàng không, các công ty dịch vụ, kỹ thuật đều rất cần nhân lực. Cơ hội việc làm lớn, đặc biệt dành cho những nhân lực chất lượng cao.