Cơ hội từ thiếu hụt nhân lực trên quy mô toàn cầu

Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng thư ký Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) thông tin, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 – 6.000 nhân lực bán dẫn. Bộ KH&ĐT cũng ước tính, đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn; đồng thời sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP.

Theo ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT IS, Chủ tịch FPT Semiconductor: "Khi nói về chip có 3 cấu phần. Phần thiết kế có hai mảng là người hoặc công cụ thiết kế (tool và IP). Hiện tại Mỹ nắm tool và IP. Phần thứ hai là sản xuất nhà máy với các công nghệ nano và để sản xuất được cần máy quang khắc với vật liệu do Mỹ kiểm soát. Phần thứ ba là đóng gói và kiểm thử. Việt Nam chưa tham gia vào công đoạn thứ hai, vì để sản xuất được cần đầu tư lớn, quy mô hàng tỷ USD".

Ông Hòa cũng cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 50 công ty thiết kế chip, chủ yếu là công ty nước ngoài tuyển nhân sự Việt Nam. Trong số các công ty thiết kế đó có FPT Semiconductor chủ yếu cần người và công cụ. Việt Nam đang được quyền mua công cụ để làm và nhu cầu nhân sự tăng vô hạn. Mảng sản xuất đang thiếu hụt kỹ sư vận hành và mảng sản xuất Việt Nam đang là một trong những điểm đến được các công ty nước ngoài lựa chọn. Do đó Việt Nam có rất nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi bán dẫn toàn cầu ", ông Hòa nói.

Tại cuộc làm việc về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết thị trường chip bán dẫn của thế giới có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 14%/năm liên tục trong 20 năm vừa qua, dự kiến sẽ đạt doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Từ nay đến năm 2030, thế giới cần khoảng 1 triệu lao động cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip.

Trong bức tranh tổng thể của ngành nhu cầu nhân lực bán dẫn trên thế giới cũng rất lớn. Theo McKinsey, các tin tuyển dụng cho vị trí kỹ thuật bán dẫn ở Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đã tăng hơn 75% từ năm 2018 đến năm 2022. Deloitte dự đoán ngành này sẽ cần thêm hơn một triệu công nhân lành nghề vào năm 2030, tương đương hơn 100.000 người mỗi năm.


Giải bài toán nhân lực không chỉ bằng niềm tin

Theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045: Mục tiêu đến năm 1930 Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp 3 bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị, trong đó: khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch, 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các lĩnh vực khác.  Bên cạnh đó, có ít nhất 5.000 nhân sự có trình độ kỹ sư trở lên có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn;

Đề án cũng đặt ra mục tiêu đào tạo chuyên sâu cho 1.300 giảng viên giảng dạy tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; mở rộng mạng lưới đào tạo, hỗ trợ đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành liên quan lên khoảng 200 cơ sở tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Để giải bài toán nhân lực, TS Lê Trường Tùng Giám đốc FPT Education, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT cho rằng: "Nếu chỉ nêu chung chung về cơ hội nghề nghiệp, cơ hội thu nhập cao hay hô hào bằng lòng yêu nước thì chưa thuyết phục được người học. Để thu hút nhân sự cho ngành này cần chỉ rõ về đầu ra, học phí thế nào? được hỗ trợ ra sao… Mọi thứ phải rất rõ ràng".

Từ kinh nghiệm triển khai công tác đào tạo vi mạch, bán dẫn đang triển khai, GS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học quốc gia TPHCM chia sẻ tại cuộc làm việc về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 rằng, muốn phát triển nhanh thì phải có cơ chế đột phá về đào tạo giảng viên, dùng chung cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và các phòng thí nghiệm liên quan, thu hút các chuyên gia nước ngoài…

Về định hướng triển khai Đề án nhân lực cho ngành bán dẫn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần có sự kết hợp giữa chương trình đào tạo chuyển đổi, cung cấp kiến thức cơ bản về ngành vi mạch, bán dẫn đến chương trình đào tạo chuyên sâu, nhân tài; trong đó phải chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ giảng viên, xây dựng chương trình, giáo trình, phương thức giảng dạy.

Liên quan đến vấn đề này, một lần nữa nhấn mạnh việc phải nắm bắt cơ hội từ ngành trong 3 – 5 năm tới, TS lê Trường Tùng cho rằng: Giới trẻ Việt Nam học rất nhanh nếu có mục tiêu rõ ràng. Hiện tại FPT Jetking đào tạo vi mạch bán dẫn trong 2 năm, đang triển khai ở TP. Hồ Chí cung cấp nhân lực trực tiếp cho những đối tác lớn ở Hàn Quốc, Ấn Độ. FPT Education đào tạo cho cả nội bộ và theo đơn đặt hàng với những chính sách phù ưu đãi phù hợp như miễn giảm học phí cho các em học các ngành FPT cần.

"Đào tạo nhân lực chip khác rất nhiều so với đào tạo kỹ sư phần mềm", TS Lê Trường Tùng thông tin đồng thời nhấn mạnh: "Đào tạo chip có định hướng khác đào tạo phần mềm trước đây, không chỉ đơn thuần phát triển ngành công nghiệp chip nội địa Việt Nam mà muốn tận dụng cơ hội thiếu nhân lực này ở quy mô toàn cầu".

 "Với đào tạo nhân lực chip, chúng tôi nghĩ phải tập trung đào tạo ngắn hạn, có thể các đối tượng học có bằng cấp nhất định để XKLĐ, làm việc nước ngoài, đào tạo bổ sung, chương trình ngắn hạn dành cho những người có bằng cấp sẵn… để bằng mọi cách sắp xếp công việc cho họ ở trong và ngoài nước. Ở tầm nhìn quốc gia, chúng ta mong muốn số người Việt làm việc trong lĩnh vực này càng đông càng tốt, khẳng định tên tuổi Việt Nam cho ngành công nghiệp này trên quy mô toàn cầu", TS Lê Trường Tùng nhấn mạnh.

Nói về kiến nghị kiến nghị về chính sách ưu đãi để thúc đẩy nhân lực bán dẫn, bà Nguyễn Thị Thu Giang bày tỏ: "Vinasa có một số định hướng lớn cho vấn đề này, trong đó với mảng thiết kế và kiểm thử Hiệp hội sẽ kiến nghị với Chính phủ và mời nhiều chuyên gia tư vấn cho các doanh nghiệp có mong muốn tham gia lĩnh vực này. Ở mảng sản xuất Vinasa đang tham gia mời gọi đối tác quốc tế đến Việt Nam với thông điệp Việt Nam có thể cung cấp điện sạch, giảm phát thải, có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất. Vinasa mong muốn doanh nghiệp nước ngoài coi thành quê hương thứ hai".

"Vinasa sẽ nỗ lực tập hợp lực lượng người Việt làm chip trên toàn cầu, hợp tác các doanh nghiệp lớn phát triển nhân lực cho ngành", bà Nguyễn Thị Thu Giang thông tin thêm.

Những tiền đề giúp Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn

Chia sẻ từ Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Báo Đầu tư mới đây nhận xét:

Thứ nhất, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi. Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn.

Thứ ba, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc... Đặc biệt, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ra tuyên bố chung xác định một trong các nội dung hợp tác chiến lược là về đổi mới sáng tạo, trong đó có phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Thứ tư, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn.

Thứ năm, Việt Nam đã thành lập NIC và 3 khu công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao.

TB-vtv