Đây là một trong những nội dung
đáng chú ý của Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) tại Việt
Nam đến năm 2030 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phê duyệt tại Quyết định
số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021.
Quan điểm của Chương trình là
phát triển VLXKN thành một ngành công nghiệp tiên tiến, hiện đại; phù hợp với
Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng
đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng nhu cầu sử dụng của
xã hội, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp, tiết kiệm năng lượng, giảm
thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường.
Phát huy sản xuất các cơ sở sản
xuất hiện có, đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại, tiết kiệm năng lượng, giảm
thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; đa dạng hóa về chủng loại sản phẩm phù
hợp với thực tế thi công các công trình xây dựng theo hướng nâng cao năng suất,
đáp ứng yêu cầu về chất lượng.
Ưu tiên phát triển các sản phẩm vật
liệu nhẹ, các cấu kiện kích thước lớn để góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa
ngành xây dựng; Tận dụng tối đa các nguồn phế thải có thể tái chế, tái sử dụng
làm nguyên liệu để sản xuất VLXKN; Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia
đầu tư sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật liệu xây không nung.
Tăng cường sản xuất sản phẩm
vật liệu xây không nung chất lượng cao
Mục tiêu chung của Chương trình đẩy
mạnh sản xuất và sử dụng VLXKN để thay thế gạch đất sét nung, sử dụng hiệu quả
tài nguyên đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô
nhiễm môi trường; tận dụng phế thải từ các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên
liệu, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.
Mục tiêu cụ thể là đẩy mạnh sản
xuất và sử dụng VLXKN thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỉ lệ 35-40% vào
năm 2025, 40-45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây, đảm bảo tỉ lệ sử dụng
VLXKN trong các công trình theo quy định; giảm phát thải khí CO2 vào năm 2025
là trên 2,5 triệu tấn/năm và năm 2030 là trên 3 triệu tấn/năm (so với sản xuất
gạch nung với khối lượng tương đương).
Định hướng đầu tư phát triển sản
xuất và sử dụng VLXKN đến năm 2030, đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm
nguyên vật liệu, năng lượng; tăng cường đầu tư phát triển sản xuất các chủng loại
sản phẩm VLXKN tấm lớn, sản phẩm nhẹ, tính năng cao, phù hợp với điều kiện
nguyên vật liệu và nhu cầu thị trường.
Để đạt được các mục tiêu trên,
Chương trình xác định tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích
đầu tư sản xuất VLXKN theo công nghệ hiện đại; khuyến khích sử dụng VLXKN trong
công trình xây dựng. Hoàn thiện thể chế liên quan đến quản lý chất lượng sản phẩm
VLXKN, chất lượng công trình sử dụng VLXKN. Bên cạnh đó, hoàn thiện tiêu chuẩn,
quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến VLXKN; nâng cao công tác
quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng hướng dẫn sử dụng sản phẩm VLXKN.
Các doanh nghiệp sản xuất VLXKN và doanh nghiệp chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN tiếp tục nghiên cứu đổi mới công nghệ sản xuất VLXKN theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, tăng cường sản xuất sản phẩm tấm lớn, sản phẩm nhẹ. nghiên cứu phát triển sản xuất các sản phẩm VLXKN tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng. Tăng cường sử dụng phế thải thay thế một phần nguyên liệu tự nhiên trong sản xuất VLXKN nhằm tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường...
Đẩy mạnh sử dụng vật liệu
xây không nung
Về tỷ lệ sử dụng VLXKN trong công
trình xây dựng, Chương trình đặt mục tiêu đối với từng khu vực và các nhóm công
trình.
Trong giai đoạn đến năm 2025,
đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà
nước ngoài đầu tư công, tỷ lệ sử dụng VLXKN so với tổng lượng vật liệu xây tại
thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tối thiểu 90%. Đối với các tỉnh Đồng
bằng sông Hồng, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, các tỉnh Đông Nam bộ, tại
các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 80%, tại các khu vực còn lại
sử dụng tối thiểu 70%.
Đối với các tỉnh còn lại, tại
các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70% (trừ thành phố Đà Nẵng,
thành phố Cần Thơ sử dụng tối thiểu 80%), tại các khu vực còn lại phải sử dụng
tối thiểu 50%. Các công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu
80% VLXKN so với tổng lượng vật liệu xây, trong đó ưu tiên sử dụng cấu kiện nhẹ,
kích thước lớn.
Trong giai đoạn đến năm 2030, các
công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài
đầu tư công, sử dụng 100% VLXKN so với tổng lượng vật liệu xây; Các công trình
xây dựng từ 09 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 90% VLXKN so với tổng lượng
vật liệu xây. Riêng các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng VLXKN phải
được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận. Nhà nước cũng
khuyến khích sử dụng tối đa VLXKN vào các công trình xây dựng, không phân biệt
nguồn vốn, số tầng.
Đồng thời, Chương trình đẩy mạnh
tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác quản lý chất lượng và sử dụng
các sản phẩm VLXKN đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; tăng cường công
tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định, các văn bản quy phạm pháp
luật liên quan nhằm thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng VLXKN…
Theo TCCT