Theo đó, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chiến
lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển và thống
kê, bao gồm:
Tham mưu tổng hợp về
chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch; kế hoạch đầu tư
công của quốc gia; cơ chế, chính sách quản lý kinh tế; đầu tư trong nước, đầu
tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; khu kinh tế;
nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi và viện trợ không hoàn
lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, viện trợ của Việt Nam cho các nước;
đấu thầu; thống kê; phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác;
quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản
lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP
ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và những
nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
Trình Chính phủ dự án
luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự thảo nghị quyết của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ theo chương
trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hằng năm của bộ đã được phê duyệt và các
chương trình, dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trình Chính phủ kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của cả nước, các cân đối vĩ mô
chủ yếu của nền kinh tế quốc dân; chiến lược, kế hoạch huy động và sử dụng
các nguồn lực phát triển; kế hoạch xây dựng, sửa đổi các cơ chế, chính sách quản
lý kinh tế vĩ mô; quy hoạch tổng thể quốc gia; kế hoạch đầu tư công trung hạn
và hằng năm; chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương
trình đầu tư công; các chương trình, dự án khác theo sự phân công của Chính phủ.
Về đầu tư phát triển,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp chung về đầu
tư phát triển. Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; tổng hợp
danh mục các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công, các dự
án quan trọng quốc gia, các nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương
thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Xây dựng tổng mức và
cơ cấu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính
báo cáo Chính phủ xác định vốn đầu tư ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát
triển của quốc gia, theo từng ngành, lĩnh vực trong kế hoạch đầu tư công trung
hạn và hằng năm; tổng hợp tổng mức vốn dành cho các chương trình mục tiêu quốc
gia, chương trình đầu tư công, dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, quy
mô lớn, liên kết vùng, có tính lan tỏa, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế
- xã hội của vùng và địa phương;...
Về đầu tư trong nước,
đầu tư của nước ngoài và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư quản lý hoạt động đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào
Việt Nam, đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài; đầu tư theo phương thức
đối tác công tư; tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư, hướng dẫn thủ tục đầu tư.
Thực hiện thủ tục cấp,
điều chỉnh và chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước
ngoài;...
Về quản lý vốn ODA, vốn
vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức,
viện trợ của Việt Nam cho các nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối
trong việc quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại
không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, viện trợ của Việt Nam cho các nước;
chủ trì soạn thảo chiến lược, chính sách, định hướng thu hút, sử dụng ODA, vốn
vay ưu đãi.
Tổng hợp và trình cấp
có thẩm quyền quyết định đề xuất, chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng
vốn ODA, vốn vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển
chính thức, viện trợ của Việt Nam cho các nước theo quy định của pháp luật; phối
hợp với Bộ Tài chính xác định cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với
chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại
không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, viện trợ của Việt Nam cho các nước;...
Về phát triển doanh
nghiệp và đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối
hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch sắp
xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước; cơ chế quản lý, sắp xếp doanh
nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Xây dựng
chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Chủ trì, phối hợp với
Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo dõi, tổng hợp tình hình sắp xếp, đổi
mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc.
Quản lý về đăng ký
doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hợp tác, hộ kinh doanh; hướng dẫn thủ tục đăng
ký doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hợp tác, hộ kinh doanh; kiểm tra, theo dõi,
tổng hợp tình hình đăng ký doanh nghiệp, đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử
và sau đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi cả nước;..
Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức của Bộ
Kế hoạch và Đầu tư gồm:
1- Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân.
2- Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ.
3- Vụ Tài chính, tiền tệ.
4- Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ.
5- Vụ Kinh tế nông nghiệp.
6- Vụ Phát triển hạ tầng và đô thị.
7- Vụ Quản lý các khu kinh tế.
8- Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư.
9- Vụ Kinh tế đối ngoại.
10- Vụ Lao động, văn hóa, xã hội.
11- Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi
trường.
12- Vụ Quản lý quy hoạch.
13- Vụ Quốc phòng, an ninh.
14- Vụ Pháp chế.
15- Vụ Tổ chức cán bộ.
16- Văn phòng Bộ.
17- Thanh tra Bộ.
18- Cục Quản lý đấu thầu.
19- Cục Phát triển doanh nghiệp.
20- Cục Đầu tư nước ngoài.
21- Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.
22- Cục Kinh tế hợp tác.
23- Tổng cục Thống kê.
24- Viện Chiến lược phát triển.
25- Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung
ương.
26- Trung tâm Công nghệ thông tin và chuyển đổi
số.
27- Báo Đầu tư.
28- Học viện Chính sách và Phát triển.
Các tổ chức quy định từ
(1) đến (23) nêu trên là các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý
nhà nước; các tổ chức quy định từ (24) đến (28) nêu trên là các đơn vị sự nghiệp
phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ.
Vụ Tổng hợp kinh tế quốc
dân có 03 phòng, Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ có 04 phòng, Vụ Kinh tế đối
ngoại có 05 phòng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch
và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh
sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch
và Đầu tư quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ
chức trực thuộc bộ, trừ Tổng cục Thống kê.
Về điều khoản chuyển
tiếp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Trung tâm Bồi dưỡng
cán bộ Kinh tế - Kế hoạch, Tạp chí Kinh tế và Dự báo tiếp tục hoạt động theo
các quy định hiện hành cho đến khi cơ quan có thẩm quyền hoàn thành việc sáp nhập
theo quy định.
Nghị định 89/2022/NĐ-CP
có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2022.
Theo
BCP